Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổng kết năm học 2009 - 2010: Tây Ninh hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ

Cập nhật ngày: 04/08/2010 - 11:07
HTML clipboard

Ngày 29.7.2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Trong năm học qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng về giáo dục và đào tạo. Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, thông qua 2 Nghị quyết về cơ chế tài chính và giám sát giáo dục đại học. Nghị quyết về cơ chế tài chính có tác động trực tiếp đến khối phổ thông, còn Nghị quyết về giám sát giáo dục đại học dù không tác động trực tiếp nhưng ảnh hưởng rất quan trọng đến những định hướng, chủ trương, giải pháp triển khai trong toàn ngành, trong đó có khối mầm non và phổ thông. Những quyết định của Quốc hội có ý nghĩa trực tiếp tới ngành giáo dục trong việc triển khai năm học mới và còn tác động sâu sắc nhiều năm tới nữa theo hướng rất thuận lợi.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cùng với điểm nhấn là chất lượng giáo dục được nâng cao, chương trình kiên cố hoá trường lớp chưa bao giờ làm tốt, làm nhanh như năm học vừa qua. Trên 7.000  tỷ đồng vốn từ trái phiếu Chính phủ và 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hoá giáo dục đã được giao trong năm 2009 để xây dựng 42.910 phòng học và nhà công vụ giáo viên (trong đó đã đưa vào sử dụng 22.078 phòng học, 6.664 nhà công vụ). Đẩy mạnh huy động các nguồn lực phục vụ phát triển giáo dục, 2 năm qua ngành đã đón nhận 1.293,5 tỷ đồng, 17,856 triệu USD, 276.828 EUR và 167.127 mét vuông đất. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen và kỷ niệm chương cho 408 tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước có đóng góp tốt cho giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trao Bằng khen cho ông Võ Hiền Phương, Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh

Bên cạnh những thành tích trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh một số hạn chế. Về tổng thể, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, của nhân dân. Việc khắc phục và sự tiến bộ trong quá trình khắc phục những hạn chế, nhược điểm của ngành còn chậm. Hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh tuy là cá biệt nhưng nghiêm trọng. Điều đó không cho phép tồn tại trong môi trường sư phạm. Những vấn đề quan trọng cần được tiến hành trong thời gian tới cũng được Bộ trưởng lưu ý như phụ cấp cho giáo viên được điều động làm cán bộ quản lý giáo dục, vấn đề các sở, các tỉnh làm nhiệm vụ tham gia quản lý Nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn; vấn đề hoàn thiện chiến lược giáo dục; đề án phổ cập mầm non 5 tuổi kèm theo đó là chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án lớn của các bậc học trong 5 năm tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý việc tập trung nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi. Số liệu cho biết, cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh khá giỏi là 78%; đến trung học cơ sở còn 15%, khá 33%; cấp trung học phổ thông chỉ còn 5% giỏi và 32% khá; đến lúc thi tốt nghiệp thì tỷ lệ khá giỏi chỉ còn khoảng 11%. Như vậy, càng lên cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng giảm.

Để tiếp tục tạo động lực cho tiến trình phát triển giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu chú ý đến vấn đề bồi dưỡng hiệu trưởng, hiệu phó; chuẩn hoá giáo viên từ bằng cấp đến kỹ năng nghề nghiệp; các biện pháp công nhận giáo viên dạy giỏi và tôn vinh nhà giáo. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề phát triển trường chuyên; đẩy mạnh áp dụng tin học trong quản lý nhà trường và giảng dạy; vấn đề dạy học ngoại ngữ và xây dựng chương trình phổ thông mới sau năm 2015…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận Tây Ninh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2009-2010, vượt mức 14/14 chỉ tiêu. Trong đó có 6 chỉ tiêu được khen thưởng là: giáo dục tiểu học; công tác ngoại khoá, y tế trường học, phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; công tác thanh tra; công tác khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục.

Anh TuẤn

 

 

 


 
Liên kết hữu ích