Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng kết năm học 2021 – 2022: Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục
Thứ bảy: 16:01 ngày 13/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để đổi mới giáo dục thành công, nhiều ý kiến cho biết cần đổi mới khâu quản lý, quản trị giáo dục về cơ chế, chính sách, không chỉ trong nội bộ của ngành Giáo dục.

Đại biểu dự hội nghị tổng kết năm học tại điểm cầu Tây Ninh.

Bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tuyến, ngày 12.8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổng kết năm học 2021 – 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khái quát tình hình, kết quả năm học 2021 – 2022, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid– 19, năm học vừa qua, cả nước khai giảng năm học mới được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tuỳ tình hình dịch bệnh tại các địa phương.

Các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học.

Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương. Các địa phương tổ chức dạy học các nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.

Ngành Giáo dục tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non.

Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến để hoàn thiện khối lượng chương trình; tích cực tham gia xây dựng, phát triển hệ thống trực tuyến đại chúng mở (MOOC) và các khoá học trực tuyến dùng chung nhằm tạo ra một nền tảng để kết nối chia sẻ học liệu và thúc đẩy tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở đào tạo.

Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Trên cơ sở đó, các địa phương đã chủ động, linh hoạt, tổ chức cho học sinh đi học trở lại, theo phương châm khu vực nào kiểm soát được dịch sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và chính quyền các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên các cấp đi học trở lại trong tháng 2.2022.

Khi học sinh mới trở lại trường học, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Nhà trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, kể cả đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế về kiểm tra, đánh giá học sinh và các quy định phòng, chống dịch Covid-19. 

Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức thành công chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên cập nhật số liệu phân bổ vaccine dùng để tiêm cho học sinh, trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi và học sinh từ 12 đến 18 tuổi ở các địa phương nhằm đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho học sinh. Tính đến ngày 31.7.2022, số học sinh từ 12 đến 17 tuổi tiêm vaccine cập nhật trên hệ thống mũi 1 đạt 98,4%, mũi 2 đạt 94,8%.

Đại diện các trường đại học sư phạm và một số địa phương cho biết, trong khi nguồn tuyển giáo viên đang khó khăn thì nhiều giáo viên đang công tác lại bỏ nghề. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương thông tin, hơn một năm qua, tính từ đầu năm 2021 đến hết năm học này, gần 600 giáo viên bỏ việc. Lãnh đạo trường đại học sư phạm thuộc Đại học Huế thông tin, chính sách đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng còn rất nhiều vướng mắc, khó thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các địa phương đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vấn đề con người… quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục nhưng những vấn đề vừa nêu không thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT– Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Dân chủ hoá trong nhà trường cũng là một vấn đề không thể không quan tâm. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, việc tuyển dụng giáo viên một môn học nào đó cho một trường nào đó, đội ngũ giáo viên trong trường không có thẩm quyền gì, “Có khi một ông nào đó ở bên ngoài đưa giáo viên dạy Địa lý về trường nhưng nhà trường đã có giáo viên dạy môn học này, cần giáo viên môn học khác”– Phó Thủ tướng nêu và nhận định, chính điều này là một phần nguyên nhân thừa thiếu cục bộ giáo viên.

Về chủ trương Nhà nước dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính để có thể giải quyết câu chuyện trước khi năm học mới bắt đầu.

Đối với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu cần làm thực chất, tránh hình thức hoặc chạy theo chỉ tiêu thi đua, vì hiện nay có trường chuẩn nhưng lớp học lên đến 50 – 60 học sinh. “Nhiều nước trên thế giới hiện nay chỉ bố trí 20, thậm chí dưới 20 học sinh một lớp”– Phó Thủ tướng thông tin.

Vấn đề lạm thu, bán sách giáo khoa kèm theo nhiều sách tham khảo, Phó Thủ trướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải chấm dứt tình trạng này, không được núp bóng “tự nguyện” để làm sai.

Liên quan đến thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong đội ngũ nhà báo, phóng viên viết về giáo dục viết sao cho dễ hiểu, đừng phức tạp hoá ngôn từ, diễn đạt, thông tin một vấn đề nào đó cần toàn diện, khách quan để không gây hiểu nhầm.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục