Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
40 năm là cả một quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về nhiều vấn đề trong đó có tổ chức xây dựng Đảng, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu phát triển lý luận.
Hội thảo là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Trung ương, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, đánh giá những thành tựu, hạn chế trong công tác tham mưu trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới; xác định những vấn đề đặt ra, những yêu cầu đối với ngành tổ chức xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng thời đề xuất hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu về tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới, góp phần xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương thăm Khu di tích lịch sử Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam
Bước chuẩn bị cho đại hội XIV của đảng
Qua hơn 7 tháng nghiên cứu và triển khai công tác tổ chức hội thảo, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 34 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng ở Trung ương và địa phương khu vực các tỉnh phía Nam. Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thảo, các tham luận công phu, trách nhiệm, tâm huyết đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện, phong phú, sinh động về công tác tham mưu về tổ chức xây dựng Đảng qua 40 năm đổi mới.
Theo PGS.TS Dương Trung Ý- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức xây dựng Đảng là một ngành, lĩnh vực công tác đặc thù, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói chung, đó là ngành bao gồm nhiều hoạt động nghiên cứu, tham mưu, ban hành, hướng dẫn, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, giám sát… việc thực hiện các văn bản, điều lệ, nghị quyết, quy chế, quy định, đề án… về công tác tổ chức, công tác cán bộ, biên chế, về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ; về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Đây là lĩnh vực hoạt động gắn liền với hệ thống tổ chức và hoạt động của toàn Đảng, của các cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Bài tham luận tại hội thảo của PGS.TS Dương Trung Ý tập trung làm rõ khái niệm, nội dung, phương thức, vai trò, những yếu tố ảnh hưởng, tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tham mưu chiến lược trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng hiện nay.
Hội thảo “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước - Thực trạng và giải pháp” do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức vào ngày 29.7 vừa qua, với hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và thường trực các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham dự, thảo luận.
Trao đổi bên lề hội thảo với các phóng viên cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đức Hà- nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá rất cao hội thảo khoa học do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức.
Hội thảo là một bước chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, đánh giá công tác tham mưu lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng cả một thời gian dài 40 năm công cuộc đổi mới. Qua đó để thấy công tác tổ chức xây dựng Đảng trong 40 năm đã làm được gì, kết quả ra sao, cho thấy những bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cuộc hội thảo này có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
“Công tác tổ chức xây dựng Đảng là một mặt của công tác xây dựng Đảng nhưng là một mặt cực kỳ quan trọng. 40 năm qua, công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều cuộc cách mạng về tổ chức, về cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
40 năm qua gắn liền với 8 kỳ đại hội Đảng toàn quốc, trong 8 kỳ đại hội đó thì có 6 đại hội bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng và đặc biệt có 4 đại hội liên quan đến những bước ngoặt của cách mạng. Đó là, Đại hội VI - Đại hội khởi xướng sự nghiệp đổi mới; Đại hội VII - Đại hội thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Đại hội X - Đại hội tổng kết 20 năm đổi mới, trong đó có công tác xây dựng Đảng; Đại hội XI - Đại hội tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 2011 và cũng là đại hội khởi đầu cuộc cách mạng về chỉnh đốn Đảng”- ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng, bổ sung, sửa đổi và không ngừng hoàn thiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định, quy chế của Đảng là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng.
40 năm là cả một quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về nhiều vấn đề trong đó có tổ chức xây dựng Đảng, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu phát triển lý luận. Từ thực tiễn cho chúng ta bài học, từ thực tiễn cho chúng ta nhận thức và từ tổng kết thực tiễn cho chúng ta tri thức mới để phát triển lý luận.
Ông Mai Văn Chính- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương và ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh chủ trì Hội thảo.
Nhiều kiến nghị, đề xuất trung ương
Thảo luận, tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và Thường trực Tỉnh uỷ, Thành uỷ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, các mô hình mới và có nhiều đề xuất, kiến nghị Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Bà Nguyễn Thị Yến- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trước nhiệm vụ chung, cán bộ địa phương chúng tôi cũng như nhiều địa phương khác đều phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Đảng, tiêu chuẩn tổ chức, Điều lệ Đảng, đúng theo quy định pháp luật của Nhà nước. Còn ngoài ra không dám làm, dám đột phá những gì ngoài các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho phép, bởi vì nếu dám làm, dám năng động sáng tạo sẽ dễ vi phạm, mà vi phạm thì ai bảo vệ?”.
Về vấn đề biên chế, ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Long An kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu tổng thể trong cả nước để phân bổ biên chế theo vị trí việc làm và khung năng lực đã được phê duyệt trên cơ sở dựa theo quy mô đơn vị hành chính, dân số, đảng viên để làm sao có sự thống nhất, phù hợp.
Trong bài tham luận gửi ban tổ chức hội thảo, Tây Ninh kiến nghị Trung ương quy định về mối quan hệ công tác giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ nhằm phát huy vai trò tham mưu, đề xuất trên các lĩnh vực công tác; nghiên cứu đưa đối tượng là cán bộ không chuyên trách làm công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận của Đảng ở cấp xã hiện tại trở thành công chức cấp xã; Trung ương nghiên cứu ban hành chính sách hợp lý để khuyến khích, động viên cán bộ thực hiện kiêm nhiệm.
Theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng quá cao so với các tỉnh chưa phát triển, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như Tây Ninh. Tỉnh đề nghị Trung ương nghiên cứu chỉ thực hiện đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đối với cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành lớn; riêng các tỉnh chưa phát triển, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới thì áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện thu hút, tạo nguồn cán bộ “người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi ở trong và ngoài nước”.
Ông Mai Văn Chính- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu các ý kiến và cho rằng các ý kiến đều là những nội dung quan trọng, có giá trị về lý luận và thực tiễn. Qua đó góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới.
Tuệ Lâm