Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát quyền bình đẳng giới tại các doanh nghiệp ở Tây Ninh
Chủ nhật: 14:32 ngày 30/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 29.12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam khảo sát thực tế tình hình thực hiện quyền bình đẳng giới ở các doanh nghiệp tại Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh.

Thông qua buổi khảo sát nhằm nâng cao nhận thức của công nhân về bình đẳng giới hướng đến tiến trình sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 với 3 nội dung quan trọng, gồm: Bình đẳng trong trả công; bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm gia đình; phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát nơi làm việc tại nhà máy dệt của Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam.

Đoàn đã đến làm việc, khảo sát tại Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam (Lô A1, đường 787 Khu công nghiệp Thành Thành Công, thuộc xã An Hòa, huyện Trảng Bàng). Ông Wong Ting Chun- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty First Team Việt Nam cho biết, hiện tại công ty đang đầu tư khoảng 200 triệu USD vào sản xuất mặt hàng dệt may tại Tây Ninh, với khoảng 8.000 công nhân lành nghề đang làm việc.

Trong số đó, tỷ lệ lao động nữ chiếm hơn 80%, với mức thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, lao động nữ tại Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam luôn có thu nhập cao hơn lao động nam khoảng 1 triệu đồng/ người/ tháng (do lao động nữ đảm nhận các khâu may cần có độ khéo léo và kỹ thuật cao hơn các khâu dệt).

Bàn về các quy định mới của Bộ luật Lao động chuẩn bị sửa đổi có nhiều chính sách ưu tiên đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ có con nhỏ, ông Wong Ting Chun cho rằng đó là những quy định hợp lý. Hiện tại, dù bộ luật chưa được thực thi nhưng Công ty First Team Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ. Cụ thể, công ty đang áp dụng chế độ trả phụ cấp 50.000 đồng /tháng/bé nhỏ đối với cả lao động nam và lao động nữ khi có con nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo; áp dụng chính sách cho khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm (riêng lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa và tư vấn sức khỏe sinh sản), trợ cấp tiền thuê nhà, xăng xe đối với công nhân ở xa.

Lê Thị Tố Hảo (sinh năm 1999, ngụ ấp Lộc An, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là công nhân may tại Công ty First Team Việt Nam cho biết, em làm việc tại công ty từ năm 2016 đến nay, chế độ chi trả của công ty rất tốt, chưa từng bị bất cứ hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo Hảo, quy định nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi áp dụng thời gian làm việc 7 giờ/ngày là rất tốt, nhưng không nên quá cứng nhắc trên quy định, nên cho người lao động quyết định thời gian tăng ca (tùy theo hoàn cảnh gia đình và sức khỏe mỗi người), vì khoản thu nhập tăng ca là những khoản rất cần để giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đối thoại với nữ công nhân Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, bình đẳng giới tại nơi làm việc là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nam và nữ trong việc thực hiện chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Đối với các quy định về tuổi nghỉ hưu, các quy định bảo vệ người lao động khỏi quấy rối tình dục nơi làm việc; bình đẳng nghề nghiệp giữa nam và nữ; trả công bình đẳng giữa nam và nữ đối với công việc có giá trị như nhau là một trong những quyền mà lao động nữ cần phải biết để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân.

Trong đó, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động.

Lao động nữ mang thai cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Còn chủ sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản. Bên cạnh đó, không được xử lý kỷ luật sa thải đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra còn phải bố trí việc làm nhẹ nhàng hơn cho lao động nữ mang thai, chủ sử dụng lao động không được bố trí lao động nữ mang thai làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa nếu lao động nữ mang thai không đồng ý…

Song Anh

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục