Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã bay đến Paris để thuyết phục người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy từ bỏ ý định rút quân sớm hơn kế hoạch.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã bay đến Paris hôm 27.1 để thuyết phục người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy từ bỏ ý định rút quân sớm hơn kế hoạch cuối năm 2014.
Hồi tuần rồi, ngay sau vụ 4 lính Pháp bị một binh sĩ Afghanistan bắn chết tại tỉnh Kapisa, Tổng thống Sarkozy ra lệnh đình hoãn mọi hoạt động huấn luyện, yểm trợ tác chiến của binh lính Pháp đối với quân đội Afghanistan. Tổng thống Pháp cũng đã cử ngay Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang đến Kabul để phản đối tình trạng thiếu an ninh đối với binh lính Pháp. Đồn trú tại tỉnh vùng núi Kapisa, miền Đông Afghanistan, gần Kabul, Pháp hiện có khoảng 3.600 quân tham gia Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu (ISAF). Theo thoả thuận giữa chính phủ Afghanistan và ISAF, cuối năm 2012, sẽ có khoảng 1.000 binh lính Pháp rời Afghanistan, số còn lại sẽ về nước vào cuối năm 2014.
Điều mà Tổng thống Hamid Karzai lo ngại nhất hiện nay là lực lượng an ninh Afghanistan vẫn chưa đủ sức đối phó với các phe nhóm phiến quân Taliban và tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nếu Pháp rút quân sớm, khó khăn sẽ trở nên chồng chất. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, ông Sarkozy sẽ đưa ra quyết định có rút quân sớm hay không sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hamid Karzai tại Paris. Theo các nhà phân tích, vào thời điểm hiện nay, việc ông Sarkozy quyết định rút quân sẽ rất có lợi khi ông tái tranh cử Tổng thống.
Theo kết quả các cuộc khảo sát ý kiến cử tri gần đây, ứng cử viên đảng Xã hội đối lập Francois Hollande hiện đang dẫn đầu danh sách những người được cử tri ủng hộ khi cam kết rút toàn bộ binh lính Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm nay nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, dự kiến tổ chức hai vòng vào tháng 4 và tháng 5.2012. Điển hình như kết quả khảo sát của CSA vừa công bố hôm 26.1 cho thấy, 82% cử tri được hỏi cho biết, họ hy vọng binh lính Pháp sẽ rời khỏi “vũng lầy Afghanistan” vào cuối năm nay.
Mặc dù việc rút quân nhanh chóng sẽ giành được lòng dân, nhưng cả Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe lẫn các nhà phân tích đều cho rằng, Pháp không dễ dàng “bỏ rơi” ISAF ngay trong lúc này.
![]() |
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai được chính phủ Pháp tổ chức lễ đón tại sân bay Orly, gần Paris hôm 27.1. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, việc Pháp duy trì sự hiện diện của quân đội tại Afghanistan là một gánh nặng trong bối cảnh chính quyền Paris luôn vất vả cân đối ngân sách trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay ở châu Âu và toàn thế giới. Mỗi năm, binh lính Pháp tại Afghanistan “ngốn” 500 triệu euro (khoảng 668 triệu USD).
Vụ 4 lính Pháp tử thương tại thung lũng Taghab, tỉnh Kapisa là một trong hàng loạt vụ binh lính và cảnh sát Afghanistan quay súng bắn “đồng đội nước ngoài”. Dư luận lo ngại, Taliban cài cắm vào lực lượng an ninh Afghanistan nhưng cho đến nay, phần lớn những vụ tương tự đều không có bằng chứng cho thấy hung thủ là người của Taliban. Tuy nhiên, những vụ “bắn đồng đội nước ngoài” đã làm cho lực lượng ISAF cảm thấy bất an khi đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng an ninh Afghanistan đủ sức kiểm soát tình hình đất nước sau năm 2014. Trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Sarkozy, ông Karzai phải có những đề án khả thi trong việc cải thiện tình trạng mất an ninh cũng như việc “thanh lọc” những phần tử đáng ngờ khi tuyển mộ binh lính và cảnh sát.
Trong một diễn biến khác, có tin cho biết, một đoàn ngoại giao cao cấp của Taliban đã đến Qatar để chuẩn bị cho việc mở văn phòng nhằm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ và chính phủ Afghanistan.
Việc Taliban mở văn phòng ngoại giao tại Qatar nhằm tìm kiếm “sự thấu hiểu với các quốc gia khác” được xem là bước đột phá chính trị đáng kể nhất trong 10 năm xung đột.
Phái đoàn Taliban được phía Qatar bảo đảm vấn đề di chuyển an toàn mặc dù một vài thành viên vẫn nằm trong danh sách “đen” cấm đi lại quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Phái đoàn bao gồm ông Tayeb Agha, thư ký cũ của thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar, người đóng vai trò trung gian với các nhà ngoại giao Mỹ và Đức trong hơn một năm qua. Ngoài ra còn có Sher Mohammad Abbas Stanekzai - cựu Thứ trưởng ngoại giao, và Shahabuddin Delawar - cựu đại sứ Taliban tại Saudi Arabia.
Đ. Hoàng Thái
Tổng hợp