Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cho biết, chính quyền Kabul sẽ thành lập một Hội đồng Hoà bình, Hoà giải và Tái thiết quốc gia nhằm thuyết phục Taliban cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, từ bỏ bạo lực và tham gia vào các hoạt động chính trị ở nước này.

Trong những ngày qua tại Afghanistan, Taliban liên tục tổ chức các cuộc tấn công, gây không ít thiệt hại cho liên quân Mỹ - NATO và quân đội Afghanistan. Tại London (Anh) hôm 28.1, phát biểu tại một Hội nghị quốc tế với sự tham dự của nguyên thủ 70 quốc gia, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cho biết, chính quyền Kabul sẽ thành lập một Hội đồng Hoà bình, Hoà giải và Tái thiết quốc gia gồm các bậc trưởng lão, các nhà chính trị có uy tín nhằm thuyết phục Taliban cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, từ bỏ bạo lực và tham gia vào các hoạt động chính trị ở nước này.
Sau 9 năm tham chiến tại Afghanistan, Mỹ và các quốc gia phương Tây nhận ra rằng, khó mà giành được chiến thắng, vì thế không ít lần họ đã bóng gió đến việc cần phải đàm phán hoà bình với Taliban. Phát biểu tại London, một lần nữa ông Karzai kêu gọi Saudi Arabia tiếp tục hỗ trợ Afghanistan, như đã từng đảm nhận vai trò trung gian trong các các cuộc đối thoại giữa chính quyền Kabul và Taliban trong quá khứ. Bên cạnh đó, ông Karzai nhấn mạnh, để có một hoà bình trong tương lai, Afghanistan cũng cần có sự giúp đỡ của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Pakistan. Mỹ và phương Tây cho rằng, lãnh tụ tối cao Taliban Mullah Muhammed Omar cùng các nhà lãnh đạo khác đang ẩn náu ở khu vực biên giới Pakistan, giáp Afghanistan.
![]() |
Tổng thống Afghanistan phát biểu tại Hội nghị London ngày 28.1. Ảnh: Reuters |
Khi Taliban nắm quyền tại Kabul, chỉ có Pakistan cùng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất thừa nhận chế độ hà khắc này. Do đó, hiện nay cũng chỉ có 3 quốc gia này mới đủ sức kéo Taliban vào bàn đàm phán.
Ông Karzai đến London lần này với hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà tài trợ quốc tế thực hiện cam kết viện trợ 500 triệu USD cho Afghanistan. Tuy nhiên, sau scandal gian lậu phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái và tình trạng tham nhũng trong chính quyền, nhiều khả năng các nhà tài trợ sẽ đưa ra những điều kiện ngặt nghèo khi đổ tiền vào quốc gia này.
Hiện nay, dư luận nhân dân tại Mỹ và các quốc gia tham chiến tại Afghanistan đang gây sức ép buộc chính phủ các nước phải tính đến khả năng rút lui chiến lược. Tuy nhiên, các nhân vật diều hâu trong chính phủ Mỹ và Anh đều mong muốn tăng cường thật nhiều binh lực với hy vọng giành được thắng lợi trước Taliban trên chiến trường. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Geoff Morrell cho rằng, không thể hoà giải với Mullah Mohammad Omar khi mà ông ta đã từng tạo điều kiện cho Al-Qaeda thực hiện kế hoạch không tặc và tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11.9. “Bàn tay của ông ta (Omar) thấm đẫm máu của hàng ngàn người Mỹ” - Geoff Morrell tuyên bố trước các phóng viên tại Washington.
Nhưng tuyên bố Geoff Morrell không thể phản ánh được những quan điểm chung của các quan chức chính phủ Mỹ và NATO. Và, cho đến giờ vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Taliban không chấp nhận con đường đàm phán. Các nhà phân tích cho rằng, Taliban cũng đã cảm nhận được một điều: dù Mỹ và NATO không thể thắng trên chiến trường, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ giành được chiến thắng.
Đặng Hoàng Thái
(theo Reuters/AP)