Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã chỉ trích ông Zelaya quá liều lĩnh trong khi vị Tổng thống lưu vong cho rằng bà Clinton không hiểu gì về “chế độ hà khắc” hiện nay ở Honduras.

![]() |
Tổng thống Honduras lưu vong Manuel Zelaya trong vòng vây của những người ủng hộ khi đến khu vực biên giới giữa Nicaragua và Honduras ngày 25.7. Ảnh: Reuters. |
Sự kiện Tổng thống Honduras lưu vong Manuel Zelaya bất chấp nguy cơ bị bắt giữ hoặc ám sát từ Nicaragua vượt biên giới về nước hôm 25.7 tiếp tục trở thành đề tài gây chú ý cho dư luận cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton chỉ trích ông Zelaya quá liều lĩnh trong khi vị Tổng thống lưu vong cho rằng bà Clinton không hiểu gì về “chế độ hà khắc” hiện nay ở Honduras.
Ngày 26.7, ông Manuel Zelaya tiếp tục lái xe jeep đến khu vực biên giới Nicarague – Honduras lần thứ hai và tuyên bố sẽ cắm trại tại đây để gây áp lực cho chính phủ lâm thời do lực lượng đảo chính dựng lên. Trả lời câu hỏi của báo giới về việc chỉ ở thị trấn biên giới trong 2 giờ đồng hồ rồi quay trở lại Nicarague, ông Zelaya cho biết, ông muốn khẳng định với những người ủng hộ, ông không dễ dàng từ bỏ cuộc đấu tranh để giành lại quyền lợi của một Tổng thống hợp pháp; nhưng ông càng muốn tránh một cuộc thảm sát có thể xảy ra vì khi đó chính quyền lâm thời Honduras đã điều binh lính và cảnh sát đến biên giới để bắt giữ ông. “Các anh biết rồi đó, họ rất muốn bắt tôi, nếu điều đó xảy ra, người dân sẽ bảo vệ tôi đến cùng, hẳn sẽ có đổ máu”
Bình luận về những lời chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ, ông Zelaya cho rằng, bà Hilary Clinton không có nhiều thông tin để đánh giá đúng những chính sách đàn áp nhân dân của chính phủ lâm thời tại Honduras. Tổng thống lưu vong cũng yêu cầu Washington nên mạnh tay hơn đối với chính quyền bất hợp pháp tại Honduras.
Mỹ, Liên Hợp Quốc và lãnh đạo các quốc gia châu Mỹ Latin đã kịch liệt chỉ trích việc giới quân sự và toà án chủ mưu đảo chính ông Zelaya ngày 28.6 và yêu cầu Honduras phải nhanh chóng phục hồi đầy đủ quyền lực Tổng thống cho Zelaya. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cắt khoản viện trợ quân sự 16,5 triệu USD và đe doạ cắt luôn viện trợ kinh tế cho Honduras. Tuy nhiên ông Obama vẫn chưa đưa ra những biện pháp cứng rắn trực tiếp đối với lãnh đạo của cuộc đảo chính khi giữa Mỹ và ông Zelaya có khá nhiều bất đồng, đặc biệt là việc ông Zelaya là bạn thân của vị Tổng thống Venezuela nổi tiếng chống Mỹ, Hugo Chavez. Có vẻ như ông Obama đang phân vân: ông không muốn Mỹ tiếp tục thực thi chính sách ủng hộ lực lượng cựu hữu chuyên tổ chức đảo chính ở các quốc gia châu Mỹ Latin nhưng cũng không ưa gì chủ trương thiên tả của ông Zelaya.
Phản ứng trước việc ông Zelaya “cả gan” vượt biên giới về nước, chính quyền lâm thời tại Honduras tuyên bố vị Tổng thống lưu vong này sẽ bị bắt giữ ngay lập tức nếu tiếp tục “tái phạm”. Toà án Tối cao Honduras cũng đã quyết định truy tố ông Zelaya 4 tội danh liên quan đến hiến pháp, trong đó có tội phản quốc, với mức án từ 43 năm tù đến tử hình. Những người đảo chính tại Honduras đã tìm đủ mọi cách để “hợp pháp hoá” vụ đảo chính nên những cáo buộc đối với ông Zelaya cũng liên tục thay đổi theo từng ngày, từ tham nhũng đến điều hành một đường dây buôn bán ma tuý… nhưng những cáo buộc này chưa bao giờ được công khai rộng rãi vì e ngại sẽ vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ ông Zelaya vì lo ngại sẽ “đổ dầu” vào tình hình căng thẳng tại nước này.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời tại Honduras Micheletti tin rằng, chính quyền hiện nay có đủ sức chống đỡ sức ép của cộng đồng quốc tế cho đến khi tổ chức bầu cử vào tháng 11.2009, và thế giới sẽ phải chấp nhận “một trật tự mới” khi Tổng thống được bầu nhậm chức vào tháng 1.2010. Sắp tới đây, ông Micheletti sẽ lên đường sang Washington để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ - bạn hàng lớn nhất của Honduras. Nếu chuyến đi này thất bại cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế bệ rạc nhất châu Mỹ Latin sẽ vấp phải một cú sốc lớn vì không thể xuất khẩu hai mặt hàng chính yếu là cà phê và hàng dệt may.
Có tin cho biết, Tổng thống Honduras lưu vong Manuel Zelaya cũng đã lên kế hoạch rời Nicarague sang Mỹ vào ngày thứ ba 28.7 nhưng không rõ sẽ có cuộc gặp nào giữa ông và các quan chức chính phủ Mỹ hay không.
Đặng Hoàng Thái
(Theo AP & Reuters)