Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng thống Mỹ ký dự luật kích thích kinh tế nhằm đối phó dịch COVID-19
Thứ bảy: 14:06 ngày 28/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự luật trị giá 2.000 tỷ USD là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm giúp đỡ người dân Mỹ và các doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do COVID-19 gây ra.


Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 14/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ nhằm đối phó với những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra sau khi văn kiện này được Hạ viện Mỹ thông qua cùng ngày.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dự luật với tên gọi “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Luật này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn.

Cũng theo luật mới, những cá nhân, công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc những người không có thu nhập hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế, sẽ nhận được séc chi trả một lần trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 USD.

Dự kiến tiền sẽ được chuyển trước ngày 6/4 tới.

Người lao động cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ người mất việc trị giá 250 tỷ USD.

Thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 4 tháng, thay vì 3 tháng như thông thường và người lao động sẽ nhận được 600 USD/tháng.

Khoản cứu trợ lớn nhất trị giá 500 tỷ USD dành cho các công ty, tập đoàn quy mô lớn, dưới hình thức các khoản vay, bảo lãnh, đầu tư đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính Mỹ.

Thời hạn không kéo dài quá 5 năm và sẽ không được xóa nợ. Trong số này, ngành hàng không sẽ nhận được nguồn tín dụng hơn 32 tỷ USD, với 25 tỷ USD cho các hãng vận tải hành khách, 4 tỷ USD cho các công ty vận tải hàng hóa và 3 tỷ USD cho các nhà thầu phụ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ quy mô 350 tỉ USD.

Mục đích chính là để ngăn chặn làn sóng sa thải công nhân, đóng cửa doanh nghiệp khi người lao động buộc phải ở nhà do bệnh dịch lây lan.

Doanh nghiệp quy mô tầm 500 nhân công vẫn trả lương cho nhân viên có thể nhận được hỗ trợ tài chính trong vòng 8 tuần, miễn lãi suất cầm cố, tiền thuê mướn công cụ.

Gói cứu trợ cũng dành khoản kinh phí lên đến 140 tỷ USD cho hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19.

100 tỷ USD sẽ được bơm trực tiếp cho các bệnh viện, mua sắm máy thở, khẩu trang, thiết bị y tế điều trị bệnh.

Số còn lại sẽ được sử dụng để mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho mọi đối tượng, hỗ trợ hoạt động của Trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC).

Ngoài ra, gói cứu trợ sẽ dành 450 triệu USD cho Chương trình Hỗ trợ Lương thực Khẩn cấp, khoảng 350 triệu USD dành để mua lương thực bổ sung và 100 triệu USD được dùng để phân phối.

Các vùng lãnh thổ hải ngoại khác, như Puerto Rico, cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ 200 triệu USD.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng như các nhà lập pháp Mỹ cũng đã công bố hai gói hỗ trợ kinh tế.

Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

Việc đưa ra một loạt các biện pháp mạnh cùng với gói hỗ trợ kinh tế cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như hỗ trợ người dân và giúp nền kinh tế Mỹ tránh rơi vào suy thoái.

Theo số liệu do trường đại học Johns Hopkins công bố ngày 26/3, Mỹ, vượt qua Italy và Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới với 82.404 số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1.100 người tử vong.

Các chuyên gia cảnh báo rằng dịch bệnh này sẽ tiếp tục tồi tệ hơn ở quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới này với số ca nhiễm tăng nhanh hàng ngày và đỉnh dịch có thể rơi vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục