Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ông Biden cho rằng Liên bang Nga đã phạm "sai lầm lớn" khi đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn sót lại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Warsaw nhân chuyến thăm Ba Lan, ngày 21/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/2, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật về việc đình chỉ Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START). Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại sót lại giữa Mỹ và Nga.
Trước đó, cùng ngày, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đã thông qua dự luật này sau khi được Tổng thống Vladimir Putin trình lên một ngày trước đó. Dự luật này sẽ có hiệu lực tại thời điểm được công bố chính thức. Quyết định khôi phục tham gia hiệp ước sẽ do Tổng thống Nga đưa ra.
Theo Đài RT của Nga, khi được hỏi về việc này trong lúc tham dự buổi chụp ảnh chung ở Warsaw chuẩn bị kết thúc chuyến thăm Ukraine và Ba Lan, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu nói đùa là ông không có thời gian, sau đó ông ngừng lại một chút rồi nhận xét rằng quyết định của Nga là "sai lầm lớn".
Trước đó, vào hôm 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi quyết định của Nga là "vô trách nhiệm và vô cùng đáng tiếc". Tổng thư ký NATO và nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo động thái có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục thực thi đầy đủ New START.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/2 cho biết nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế về số lượng phương tiện mang đầu đạn hạt nhân được nêu trong New START ngay cả sau khi đình chỉ hiệp ước. Bộ Ngoại giao Nga trước đó cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế theo New START. Cơ quan này nói thêm Nga có thể đảo ngược quyết định đình chỉ hiệp ước, nhưng Mỹ phải thể hiện thiện chí.
Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược, ở Mỹ được gọi là 'START mới' và ở Nga là 'SNV-III', được ký vào năm 2010 tại Praha, Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Washington và Moskva có thể triển khai. Nga và Mỹ hiện nay vẫn sở hữu khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của toàn thế giới.
Theo thỏa thuận, Moskva và Washington cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và tối đa 700 tên lửa tầm xa và máy bay ném bom.
Hiệp ước này cũng quy định việc giám sát chung kho vũ khí hạt nhân được triển khai của mỗi bên, cũng như điều phối thông qua một ủy ban tư vấn song phương. Theo đó, mỗi bên có thể tiến hành tới 18 cuộc thanh sát các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược mỗi năm để đảm bảo bên kia không vi phạm các giới hạn của hiệp ước.
Hiệp ước có hiệu lực từ năm 2011. Đầu năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn hiệp ước thêm 5 năm, tới năm 2026.
Tuy nhiên, tháng 3/2020, các cuộc thanh sát theo thoả thuận trong New START đã phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19. Các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington về việc nối lại các cuộc thanh sát dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022 tại Ai Cập, nhưng đã bị Nga hoãn lại. Điện Kremlin cho biết họ không thể đàm phán trong trường hợp Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga. Từ đó đến nay, chưa có bên nào ấn định thời điểm đàm phán mới.
Nguồn Báo Tin tức