Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện với Thụy Điển, Phần Lan
Thứ ba: 09:24 ngày 17/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng thống Erdogan nói Thụy Điển và Phần Lan phải trục xuất hoặc dẫn độ 130 "tội phạm khủng bố" tới Thổ Nhĩ Kỳ trước khi Quốc hội nước này thông qua đơn gia nhập NATO của họ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu hôm 16/12/2022. Ảnh: Reuters.

"Nếu các vị không giao nộp những kẻ khủng bố cho chúng tôi, thì chúng tôi không thể phê duyệt đơn gia nhập NATO tại Quốc hội", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói vào tối 15/1, Reuters đưa tin.

"Để điều này được Quốc hội thông qua, trước hết các vị phải giao hơn 100, tức khoảng 130 tên khủng bố này cho chúng tôi", ông Erdogan nói thêm.

Các chính trị gia Phần Lan coi yêu cầu của ông Erdogan là phản ứng tức giận đối với vụ việc ở Stockholm vào tuần trước, trong đó một hình nộm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã bị treo lên trong một cuộc biểu tình nhỏ.

“Tôi tin rằng đây hẳn là một phản ứng đối với các sự kiện trong những ngày qua”, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho hay. Bên cạnh đó, ông Haavisto nói ông không biết về bất kỳ yêu cầu chính thức mới nào từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng sau vụ việc ở Stockholm, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy chuyến thăm tới Ankara của Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen, vốn đã được lên kế hoạch. Thay vào đó, ông Norlen đã đến Helsinki hôm 16/1.

"Chúng tôi nhấn mạnh rằng ở Phần Lan và Thụy Điển, chúng tôi có quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi không thể kiểm soát điều đó", Matti Vanhanen, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, khẳng định.

Ibrahim Kalin, người phát ngôn của ông Erdogan, hôm 14/1 cho biết thời gian không còn nhiều để Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, dự kiến vào tháng 5.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức NATO sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, nhưng vấp phải sự trì hoãn từ Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên lâu năm của liên minh.

NATO ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, do đó, hai quốc gia Bắc Âu này cần có sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên.

Ankara đã cáo buộc các nước Bắc Âu, chủ yếu là Thụy Điển, tài trợ cho những người mà họ coi là khủng bố, bao gồm các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Stockholm và Helsinki phủ nhận cáo buộc của Ankara nhưng cam kết hợp tác để giải quyết các mối lo ngại về an ninh.

Nguồn zingnews

Tin cùng chuyên mục