Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 3/11, UBND TP.HCM đã có buổi họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika.
Em bé 4 tháng tuổi của Việt Nam bị chứng đầu nhỏ do nhiễm Zika.
TP.HCM đã có 21 ca nhiễm Zika, 9 ca nghi ngờ
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Sở Y tế TP.HCM cho biết, với 28 ca mắc tại 7 tỉnh thành, Việt Nam đã được đưa lên bản đồ thế giới là vùng có lưu hành bệnh do virus Zika.
Tính đến chiều ngày 3/11, TP.HCM đã ghi nhận có 21 ca mắc và 9 ca trong diện nghi ngờ tại 11/24 quận huyện. BS Trí Dũng nhận định, bệnh do virus Zika có thể lây lan và xuất hiện nhiều ca mới.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, trong 5 tuần trở lại đây, trung bình mỗi tuần có khoảng 5 ca nhiễm Zika, trong đó đã có 4 thai phụ có xét nghiệm dương tính với virus Zika, trong đó có một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Do đó, đối tượng cần quan tâm tập trung trong giai đoạn này là những phụ nữ mang thai, những người có ý định mang thai, để tránh để lại di chứng đáng tiếc mà virus Zika gây ra.
BS Trí Dũng cho biết, trước tình hình đó, TP.HCM đã lên quy trình theo dõi, chăm sóc sức khỏe thai phụ nhiễm virus Zika với sự tham gia của 3 bệnh viện: Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM.
Hệ thống giám sát tại 30 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, tất cả các ca phát hiện dương tính với virus Zika đều thông qua các điểm giám sát này.
Đến nay, 921 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ đã được lấy mẫu máu xét nghiệm và phát hiện 21 ca dương tính, 56 mẫu chưa có kết quả và hiện đang nghi ngờ 9 mẫu nhiễm Zika.
Để hoạt động giám sát hiệu quả hơn, TPHCM đã triển khai thêm 16 điểm giám sát ở các cơ sở y tế tư nhân. Tất các các trường hợp nhiễm Zika đều được tư vấn cụ thể, đặc biệt với những phụ nữ mang thai sẽ được chăm sóc, theo dõi trong suốt thai kỳ, sau khi sinh sẽ lấy máu em bé để xét nghiệm.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát những biến chứng của virus Zika xem có những ảnh hưởng gì đến sức khỏe người dân như chứng đầu nhỏ, bệnh thần kinh… ngoài những nghiên cứu của y văn thế giới.
Theo PGS Phan Trọng Lân, hiện nay gần như chưa có hàng rào kỹ thuật nào kiểm soát được những trường hợp nhiễm Zika nhưng không có biểu hiện lâm sàng, vì thế, để kiểm soát được tình hình là rất khó khăn nếu không tăng cường công tác phòng chống dịch.
TP.HCM không để bùng phát thành dịch
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, TP.HCM phải kiểm soát bệnh do virus Zika, giữ ở mức là bệnh lưu hành, quyết không để bùng phát thành dịch.
Qua theo dõi của ủy ban và báo cáo của Sở Y tế cho thấy, các phường, xã, thị trấn còn thiếu sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch, lơ là trong việc làm vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy. Chính vì thế, hiệu quả phòng chống dịch chưa cao, các ca mắc vẫn tiếp tục tăng. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các quận huyện phải giao việc cụ thể cho chủ tịch các phường, xã, thị trấn, không thể chỉ có chỉ đạo bằng văn bản.
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy là biện pháp tiên quyết trong phòng chống Zika và sốt xuất huyết. Từ tuần sau, khi phát hiện các ca nghi mắc Zika, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ xử lý ngay chứ không chờ cho đến khi có kết quả, vì trong những mẫu xét nghiệm thời gian qua cho thấy, có đến 50% mẫu dương tính với sốt xuất huyết. Thành phố sẽ tiến hành phun thuốc diện rộng tại khu vực có người mắc bệnh và các vùng nguy cơ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết, sau cuộc họp “nóng” chiều ngày 3/11, UBND TP sẽ ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus zika. Thành phần của Ban chỉ đạo sẽ là lãnh đạo UBND TP, các sở ngành, Phó chủ tịch 24 quận huyện và yêu cầu các quận huyện phải báo cáo tình hình hàng ngày về Sở Y tế, cuối mỗi ngày, Sở Y tế phải báo cáo về UBND TP, không để tình trạng tin chậm, tin nguội như hiện nay.
Bên cạnh đó, các quận huyện phải nắm được danh sách thai phụ trên địa bàn để tuyên truyền, theo dõi, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh để có biện pháp chăm sóc và tư vấn. Sở Tài nguyên Môi trường phải vào cuộc ngay, phối hợp với các ban ngành thành lập chiến dịch tổng vệ sinh đường phố.
Nguồn Infonet