BAOTAYNINH.VN trên Google News

TP.HCM muốn kéo đường ven sông Sài Gòn tới Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 27/07/2023 - 06:30

Nội dung được đề cập trong thông báo kết luận của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm tại cuộc họp nghe báo cáo về nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường ven sông Sài Gòn.

Ông Trần Quang Lâm cho biết chủ trương nghiên cứu rà soát quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn đã được Thành ủy, UBND TP và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ đặc biệt quan tâm, đặt ra yêu cầu sớm triển khai thực hiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông.

TP.HCM muốn kéo đường ven sông Sài Gòn tới Tây Ninh - Ảnh 1.

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành sẽ giúp TP.HCM phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ. Đức Long

Hiện nay, thành phố đang tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời, Sở QH-KT đang triển khai đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn theo định hướng khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông. Do đó, việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và rất cần thiết.

Từ quan điểm trên, Sở GTVT đề nghị Sở QH-KT hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn để hoàn thiện phương án hướng tuyến đường đảm bảo hài hòa, đồng bộ và phù hợp với quy hoạch khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên.

Giao Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án tuyến đường ven sông Sài Gòn, ông Trần Quang Lâm lưu ý phạm vi nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn sẽ kéo dài đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh; nghiên cứu giải pháp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh để phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối vùng.

Giám đốc Sở GTVT cũng yêu cầu tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn (đã được đầu tư) để hoạch định hướng tuyến quy hoạch một cách linh hoạt, phù hợp với hiện trạng, cảnh quan đô thị dọc sông, không nhất thiết bố trí 1 dạng mặt cắt ngang trên toàn tuyến. Mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, sông Sài Gòn (từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2 km kéo dài thêm đến Bến Củi) có nhiều đoạn cong, khúc khuỷu nên tuyến đường ven sông không nhất thiết bám sát bờ sông.

Ngoài ra, bổ sung giải pháp và xác định phạm vi chiếm dụng đất tại các vị trí nút giao, và các vị trí giao cắt với cầu... 

Lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM cũng kiến nghị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương hỗ trợ cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương để thành phố có thể hoàn thiện quy hoạch tuyến đường đảm bảo kết nối hài hòa giữa 2 địa phương.

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn đã được “thai nghén” từ năm 2017 bởi Tập đoàn Tuần Châu, trước khi chính thức chuyển giao ý tưởng cho Tập đoàn Đèo Cả vào tháng 5.2020. Theo thiết kế ban đầu, tuyến đại lộ này sẽ xuất phát từ cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) với tổng chiều dài khoảng 64 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng. Với tốc độ di chuyển 100 km/giờ, nếu được xây dựng, người dân tại TP.HCM chỉ mất khoảng 25 - 30 phút đi từ Củ Chi về Q.1 (hiện nay mất khoảng 1 giờ 30 phút).

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045”, trong đó, giao Sở QH-KT hoàn thiện đề án quy hoạch chung, làm sao có được con đường ven sông từ Q.1 đến huyện Củ Chi nhằm khai thác và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn.

Nguồn TNO