Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau khi di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên bị sụp đổ mái hiên, UBND TP. Tây Ninh có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL xin chủ trương sửa chữa.
Ngôi nhà cổ hơn 120 năm của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được làm bằng gỗ, toạ lạc số 39, đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh. Nhà được xây dựng từ năm 1894, dài 20m, rộng 12m, gồm 1 tầng trệt và một gác lửng với nhiều gian phòng, dành cho nhiều thế hệ sinh sống. Toàn bộ cột, kèo, vách, gác lửng cho đến bàn thờ được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý, chạm trổ những phù điêu rồng bay, phượng múa.
Tổng thể căn nhà được xây dựng theo kiểu chữ đinh. Cửa ra vào gian nhà chính vẫn còn cứng cáp, khít từng khung gỗ. Căn nhà có 8 cánh cửa phụ chia đều hai bên. Ở phòng khách có 2 câu đối bằng chữ Hán được chạm trổ tinh vi. Chính giữa gian nhà là bàn thờ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên. Nhiều vật dụng cổ được bài trí quanh bàn thờ. Phía trước bàn thờ Đốc phủ sứ là bộ bát bửu (8 loại binh khí thời xưa) dùng để trang trí.
Nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 3.2.2017 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến nay, ngôi nhà hơn 120 năm tuổi, một số hạng mục đã xuống cấp.
Tuy đã được gia đình nhiều lần gia cố, sửa chữa nhưng hiện tại, công trình xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, có một gian phía trước nhà bị đổ sập hoàn toàn, hai gian nhà còn lại bị mối mọt, xuống cấp khoảng 70%. Vách tường hai bên đại sảnh bị nứt, bong tróc. 4 khung cửa ở mặt dựng bị mối mọt. Gác lửng, khung bao gác lửng và khung lam mặt dựng phía sau bị hư hỏng toàn bộ.
Đặc biệt, ngôi nhà đang trong tình trạng bị mối mọt đục khoét nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Do đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích nhà cổ trong giai đoạn hiện nay mang tính cấp thiết, cần được ưu tiên thực hiện.
Tường nhà bị nứt nẻ, bong tróc lớp xi măng tô bên ngoài.
Theo Quyết định số 480/QĐ-UBND của UBND tỉnh, di tích nhà cổ được đưa vào danh mục cần tu bổ, tôn tạo năm 2020 với mức kinh phí phê duyệt là 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá. Qua quá trình triển khai thực hiện, Thành phố và gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn xã hội hoá cho việc thực hiện Quyết định 480. UBND Thành phố đã khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích và có báo cáo gửi Sở VH,TT&DL kiến nghị xem xét bố trí kinh phí sửa chữa đối với di tích này.
Theo đó, đề xuất nâng mức tu bổ, tôn tạo di tích nhà cổ mang tính ổn định, lâu dài cần mức khoảng 3 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp tỉnh. Trong đó, sửa chữa cấp thiết các hạng mục trước mắt nhằm khắc phục một phần sự cố đổ sập mái hiên trước và gia cố một số vị trí chịu lực cần khoảng 300 triệu đồng.
Lý do, nguồn lực đầu tư, sửa chữa của UBND Thành phố tương đối hạn chế, các phương án thực hiện còn vướng mắc một số vấn đề như: nguồn kinh phí vốn sự nghiệp văn hoá của Thành phố năm 2023 không bố trí cho sửa chữa di tích nhà cổ Đốc phủ sứ. Không vận động kinh phí sửa chữa từ nguồn xã hội hoá được. Di tích nhà cổ hiện chưa khai thác các hoạt động phục vụ du lịch và các hoạt động có thu.
Di tích này đang thuộc quyền quản lý của cá nhân, theo quy định không thể sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện trùng tu, sửa chữa. Khả năng gia đình ông Nguyễn Anh Kiệt- hậu duệ của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên- người đang trực tiếp sinh sống trong nhà cổ không có nhiều, không bảo đảm để sửa chữa.
Góc mái hiên bên trái bị sụp gần như hoàn toàn.
Từ thực trạng trên, UBND Thành phố trình UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL xem xét cho chủ trương: Thứ nhất, sửa chữa cấp thiết đối với di tích nhà cổ Đốc phủ sứ để khắc phục ngay tình trạng 1 gian bị đổ sập hoàn toàn, từ nguồn kinh phí tỉnh bổ sung cho Thành phố, hoặc đồng ý chủ trương cho Thành phố sửa chữa từ nguồn dự phòng ngân sách của Thành phố. Thứ 2, UBND tỉnh giao VH,TT&DL đầu tư trùng tu từ nguồn sự nghiệp văn hoá của Sở, nhằm bảo tồn giá trị di tích của tỉnh từ nguồn sự nghiệp văn hoá của Sở VH,TT&DL.
Theo ghi nhận của phóng viên, tối ngày 3.12.2023, trời mưa to, gió lớn khiến mái hiên phía trước ngôi nhà cổ bị sụp gần như hoàn toàn. Nhiều cây mè, rui bị mục, gãy ngổn ngang. Trên nền nhà hàng trăm miếng ngói vảy cá rơi xuống vỡ đôi.
Nhiều miếng ngói khác đang còn vướng trên những cây mè, chực chờ rơi xuống. Phần mái hiên còn lại đang bị hở ra, mất kết nối với căn nhà, nếu có có mưa to, gió lớn xảy ra, nhiều khả năng phần mái hiên còn lại sẽ bị đổ theo.
Sau khi xảy ra sự cố, Phòng Văn hoá - Thông tin TP. Tây Ninh, Sở VH,TT&DL cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường khảo sát. Sau đó, UBND TP. Tây Ninh khẩn trương tổ chức khảo sát, họp đánh giá mức độ hư hại, xuống cấp của mái hiên phía trước di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, đồng thời đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo và nguồn kinh phí thực hiện.
Ông Bùi Minh Tuấn- Trưởng Phòng Quản lý văn hoá và gia đình, Sở VH,TT&DL cho biết, Sở VH,TT&DL đã nhận được tờ trình xin chủ trương sửa chữa cấp thiết di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên của UBND TP. Tây Ninh. Hiện nay, Sở VH,TT&DL đang xem xét, xử lý.
Đại Dương