Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan trong cộng đồng khi một lượng lớn công nhân ngoại tỉnh trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “Chúng ta xác định dịch COVID-19 còn kéo dài, diễn biến phức tạp”.
Nhân viên y tế xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: HCDC
Ông Phong cho biết, TPHCM đã dự trữ các sinh phẩm xét nghiệm, đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu trong vòng 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động xét nghiệm 25.000-30.000 mẫu. Ngoài ra, thiết lập 317 đội lấy mẫu của bệnh viện, trung tâm y tế để đảm bảo đạt công suất lấy 100.000 mẫu/ngày, khi cần thiết có thể nâng lên 200.000 mẫu/ngày. “Ngành y tế thành phố thông tin, đã chuẩn bị để ứng phó với kịch bản có từ 50-100 người mắc COVID-19, bằng cách chuẩn bị đủ giường bệnh, thuốc men, thiết bị bảo hộ... Đồng thời, thành phố đã sẵn sàng với kịch bản khi có 100-200 người mắc COVID-19 trong cộng đồng”, ông nói.
Với chiến lược xét nghiệm thần tốc, sau hơn 10 ngày đêm, ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát. Qua mở rộng xét nghiệm, rà soát các nhóm nguy cơ tại sân bay, TPHCM đã phát hiện thêm 8 trường hợp nhiễm là nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hoá tại sân bay; truy vết, khoanh vùng phát hiện thêm 26 trường hợp nhiễm có liên quan. Đến nay, chuỗi lây nhiễm dừng ở con số 35 ca mắc.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), một nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm là phải tìm ra được nguồn lây. Đối với chuỗi lây nhiễm lần này, bước đầu, thành phố đánh giá có khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý của công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, đã khẩn trương xét nghiệm rà soát lần 2 cho toàn bộ nhân viên công ty VIAGS, lấy mẫu toàn bộ gia đình của các nhân viên này với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm (hơn 1.600 nhân viên và hơn 3.800 người nhà). Nhờ đó, thành phố đã tìm được thêm 3 nhân viên và 1 người nhà nằm trong chuỗi lây nhiễm 35 ca bệnh này.
Bên cạnh đó, thành phố đã xét nghiệm cho 1.570 trường hợp F1, 1.376 trường hợp F2, 9.864 mẫu tại các địa điểm liên quan bệnh nhân. Tất cả đã âm tính, là cơ sở cho thành phố gỡ bỏ phong tỏa các địa điểm không còn nguy cơ. Đồng thời, cách ly tập trung toàn bộ nhóm nguy cơ cao nhất. Đây là cơ sở để bước đầu khẳng định TPHCM đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm sau 6 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh mới.
Nguồn TPO