BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lại tên em

Cập nhật ngày: 15/09/2017 - 13:43

BTN - “Thưa các anh chị phóng viên! Thưa các ông đi qua, các bà đi lại!

Em tên là trái giác rừng, quê ở núi Bà Ðen. Ấy là từ đời ông sơ, ông cố theo ông bà em kể lại. Còn trước nữa thì em chịu: gốc gác xa xưa từ đâu tha hương đến núi này thì em không rõ. Thì cũng như bao gia đình con người gần nơi em sống đấy thôi. Cũng chẳng mấy ai biết đến các cụ tổ nhà mình đã ra đi từ đâu đến Tây Ninh mở đất lập làng.

Bà con quê núi đặt tên cho họ nhà em là trái giác rừng. Thân dây leo bò lang thang khắp góc ghềnh, gộp đá. Rễ bắt sâu vào từng hẻm hóc đất hiếm hoi. Cứ thế mà chúng em lớn lên, nảy nở, sinh sôi. Mùa mưa là từng chùm trái chín, trái xanh như những tổ ong treo lơ lửng dưới lá cành. Chim chóc tới ăn. Người tới hái. Thấy người quê núi bảo đem về ngâm làm nước ngọt uống, hay làm rượu thuốc. Họ cảm nhận người khoẻ ra, bước chân leo núi đá cũng dẻo dai hơn. Cả họ nhà em lấy thế mà mừng thầm, thấy mình sống trên đời cũng không là vô ích.

Nhưng vẻ vang nhất cho dòng họ giác, là có người đã “triệu tập” chúng em về một khu vườn rộng mỡ màng ven đường tỉnh lộ, cũng chẳng xa là bao nơi chúng em sống là núi Bà Ðen. Thế là chúng em được lên mặt báo, lên đài và trên facebook. Tiếng tăm dòng họ bỗng nổi như cồn.

Người đến tò mò ngắm nhìn chúng em như một tạo vật lạ lùng, mà lại thấy quen quen. Ông chủ vườn giới thiệu với khách đường xa đấy là trái nho rừng, do ông cất công tìm kiếm ở những mấy miền biên giới, bên Lào, bên Thái. Dân mình vốn quen sính ngoại, nghe là mê luôn. Và cũng sẵn sàng xì tiền mua mấy chai vang hoặc xi rô làm kỷ niệm”.

Ấy là lời trái giác, qua “phiên dịch” của chị bán trái giác rừng. Từ khoảng rằm tháng bảy, đã có thể dễ dàng tìm thấy mẹt hàng của chị trên lề con đường đi xuyên qua chợ phường 3. Con đường này đặc biệt lắm. Ngoài các quán ăn, các loại hàng hoá, áo quần secondhand từ khắp thế giới đem về thì cũng còn những rổ mẹt hàng bông do người trồng tự hái đem đến bán. Mùa này đang có món mới măng le bóc vỏ ngời hai màu xanh trắng. Nhưng lạ nhất vẫn là mẹt hàng của chị từ núi đem về. Vâng! Ngoài một rổ giác rừng còn có thêm chậu ốc núi và vài món rau của núi: rau lưới, đọt vông, đọt choại… Những con ốc núi vàng ươm đang nhẩn nha bò qua mép chậu ra ngoài. Từng bó đọt choại, rau lưới cũng khiến mấy bà sang trọng dừng lại tần ngần trả giá.

Tôi ngắm nhìn rổ giác. Toàn những chùm to hàng trăm trái đỏ và đen ken chặt nhau. Chúng chẳng khác chi những chùm trái “nho rừng” của khu vườn ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu mà mấy tháng qua đã trở thành điểm đến của nhiều người ưa món lạ. Xin một trái rụng, đưa lên miệng nhấm thấy chua chua, chát chát. Lớp vỏ thật dày có vị chát nhưng lại vương chút ngọt về sau. Tưởng chừng như trước khi lên môi, trái giác còn kịp nói một câu: xin trả lại tên em- trái giác rừng.

Vâng! Người quê núi đã đặt tên em là trái giác thì em vẫn luôn là trái giác. Chẳng cần chi phải bắt chước con người thời nay, đặt tên con cứ phải nửa tây, nửa ta mới ra thời thượng. Những Tony Trần, hay Tom Nguyễn hoặc Tý Elsa.

Mà nói thật nhé! Giả dụ em có là nho (cho nó “tây” hơn) thì cũng khó mà sánh được với những nho Mỹ, nho Úc, thậm chí nho Phan Rang- tháp Chàm đang bán đầy phố chợ. Vậy xin mọi người cứ gọi nôm na em là trái giác, như các sản vật của núi quê mình. Như mãng cầu Bà Ðen, như chuối hột rừng. Cứ nhoai nhóc leo trên sườn núi, chắt lọc tinh tuý từ đá, từ sương và gió để làm nên những gì là của riêng em- một trái giác rừng.

NGUYỄN