Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trả lời 7 hộ dân ở xã Tân Hưng (Tân Châu): Xã đang ráo riết tìm cách khắc phục ngập úng
Thứ hai: 04:02 ngày 05/10/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 7 hộ dân ở tổ 19 và 20, ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu gửi đơn đến Báo Tây Ninh kêu cứu về tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài nhiều năm qua ở khu vực Bàu Bắc, nhưng chưa được xử lý.

Người dân hai tổ 19 và 20 muốn ra, vào phải xắn quần lội.

7 hộ dân ở tổ 19 và 20, ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu gửi đơn đến Báo Tây Ninh kêu cứu về tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài nhiều năm qua ở khu vực Bàu Bắc, nhưng chưa được xử lý.

Ngày 30.9.2009, chúng tôi đến khu vực Bàu Bắc để tìm hiểu thực tế thì thấy một cánh đồng rộng khoảng 5 ha bị nước ngập trắng xoá. Chỗ ngập sâu nhất khoảng 1 mét. Con đường đất đỏ vào tổ 19 và 20, ấp Tân Trung B bị nước ngập gần 0,5 mét. Người dân hai tổ này đi lại phải xắn quần lội bì bõm dưới nước. Nhiều em học sinh đi học về bị ướt cả quần áo, tập vở.

Ông Lê Văn Lạc, Chi hội phó Chi Hội người cao tuổi ấp Tân Trung B, cho biết: “Trước năm 2002, khi tỉnh lộ 785 chưa được nâng cấp, hai bên đường có mương thoát nước, nên nước mưa từ khu vực này được thoát ra suối, ít khi bị ngập úng. Khi tỉnh lộ nâng cấp, mở rộng đã làm bít hệ thống thoát nước, vì vậy gần 10 năm qua, cứ vào tháng 7 – tháng 8 hằng năm là khu vực này bị ngập. Hầu hết đất sản xuất ở đây đều không canh tác được. Khoảng 30 hộ dân trong xóm ‘tránh lũ’ phải đi vòng qua những con đường khác. Ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Trong những lần tiếp xúc cử tri ở xã, bà con ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay chưa được giải quyết”.

Nhiều người dân ở đây đều bức xúc trước tình trạng ngập úng cục bộ này. Ông Đoàn Văn Roi, than thở: “Nhà tôi có 1,2 ha đất nông nghiệp, trước đây mỗi năm trồng 2 vụ lúa đủ nuôi 8 nhân khẩu trong gia đình. Từ khi bị ngập nước đến nay, tôi chuyển sang trồng mì, nhưng năm nào cũng phải tranh thủ nhổ mì non để bán, nếu không nước lên là bị thối củ. Đời sống kinh tế gia đình cũng vì vậy mà luôn gặp khó khăn, thiếu thốn”. Chịu cảnh ngập lụt hết nổi, ông Roi đã chuẩn bị dời nhà ra ngoài ở.

Còn ông Dương Ngọc Sử thì kể: “Nhà tôi có 0,5 ha đất nông nghiệp, trước đây trồng hàng bông. Những năm qua tôi chuyển sang trồng cây ăn trái, nhưng 5 lần trồng mãn cầu thì đã 3 lần bị nước ngập chết, làm tôi bị thiếu nợ hết 6 – 7 triệu đồng”. Đối với trường hợp bà Võ Thị Về thì có gần 1 ha mãng cầu của bà đã bị chết rụi gần hết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ngập úng ở Bàu Bắc, ông Lại Thành Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, cho biết: “Chúng tôi cũng biết khu vực vực này bị ngập nhiều năm qua, nhưng vì xã không có đủ kinh phí nên chưa làm được. Tuy nhiên, trước tình hình bức xúc của bà con, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ vùng trũng này và đưa ra ba phương án khắc phục. Chúng tôi đã trình cả ba phương án này lên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện để tìm cách khắc phục ngập úng trong thời gian sớm nhất”.

DƯƠNG AN

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục