Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh:
Trả lời các ý kiến của doanh nghiệp
Thứ sáu: 07:09 ngày 07/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, doanh nghiệp có ý kiến gửi đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Tây Ninh các vấn đề như: tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm...

Sản xuất tinh bột mì tại một nhà máy chế biến mì ở huyện Dương Minh Châu.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn biết những điều kiện để có thể vay tiền từ gói vay ưu đãi lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ để thực hiện xây nhà ở cho công nhân viên.

NHNN chi nhánh Tây Ninh cho biết, theo Điều 4 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện sau: thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành, lĩnh vực quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thoả thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2022 đến ngày 31.12.2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định nêu trên, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác; khoản vay không có số dư nợ gốc/lãi quá hạn tại thời điểm phải trả nợ lãi, không hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.

Về tình trạng khi cho vay, ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm, NHNN chi nhánh Tây Ninh cho biết, hiện nay, việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng trở thành phổ biến và phát triển nhanh, mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng; tuy nhiên, có phát sinh tình trạng cán bộ ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, không đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian qua, NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính có nhiều văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm, các ngân hàng thương mại (NHTM) rà soát, xử lý các vi phạm, tuân thủ đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và mới nhất là công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh và xác minh xử lý.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh Tây Ninh thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở, chấn chỉnh các chi nhánh NHTM trên địa bàn tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm và đưa nội dung thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm vào nội dung thanh tra tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn.

Hiện nay, NHNN chi nhánh Tây Ninh cũng đã sử dụng đường dây nóng của chi nhánh đã công bố để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về việc bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn.

Khi tiếp nhận thông tin, NHNN chi nhánh Tây Ninh sẽ làm rõ thông tin, chứng cứ, cử cán bộ làm việc với tổ chức tín dụng bị phản ánh và tổ chức thanh tra, kiểm tra (nếu cần thiết) nhằm xác minh thông tin phản ánh.

Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp có ý kiến đối với việc khi tất toán khoản vay trước hạn, ngân hàng yêu cầu nộp phạt mới tất toán. Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, thật ra đây là thu phí trả nợ trước hạn, không phải nộp phạt như doanh nghiệp đã nêu.

Điều 14, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 về “Phí liên quan đến hoạt động cho vay” quy định: Tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng; phí thu xếp cho vay hợp vốn; phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thoả thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu; các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Vì vậy, việc thu phí khi khách hàng tất toán khoản vay trước hạn theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng là đúng theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 của NHNN Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp có ý kiến về việc dùng đất thuê để thế chấp khi vay vốn, có 2 dạng đất thuê: đất thuê trả hằng năm và đất thuê trả 1 lần. Ngân hàng chỉ nhận thế chấp tài sản khi nội dung trong sổ ghi: “thuê lại đất trả tiền một lần” còn trường hợp trong sổ ghi “đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm đến ngày 26.12.2058” thì ngân hàng từ chối nhận thế chấp.

Doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết để các ngân hàng thương mại xem xét nhận thế chấp tài sản trong sổ ghi nội dung “đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm” đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo tính cạnh tranh công bằng, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, Khoản 2 Điều 174 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền: “d. Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”.

Khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền: “b. Thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, khi được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm thì tổ chức kinh tế chỉ được quyền thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê. Nội dung này doanh nghiệp có thể kiến nghị ngành Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục