Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Giao thông - Vận tải:
Trả lời cử tri Tây Ninh về mức phạt vượt đèn vàng
Chủ nhật: 17:19 ngày 19/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cử tri Tây Ninh kiến nghị, tại điểm a, khoản 5, Điều 5; điểm c, khoản 4, Điều 6; điểm g, khoản 4, Điều 7 và điểm h, khoản 2, Điều 8 của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.8.2016, cử tri chưa đồng tình với mức xử phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ, vì tính chất của hai loại đèn này khác nhau.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến như sau:

1. Về căn cứ để quy định xử phạt đối với hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”:

Tại Khoản 1, Điều 11, Luật GTĐB quy định: “Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ” (bao gồm cả tín hiệu đèn giao thông); đồng thời, tại Khoản 3, Điều 10 Luật GTĐB quy định: “Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”;

Ngoài ra, tại Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ đã quy định cụ thể về các trường hợp phải giảm tốc độ: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thế dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp: qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt…”.

Triển khai Luật Giao thông đường bộ, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB trước đây (như: Nghị định số 146/2007/NĐ-CP, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP), đối với nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì đều quy định xử phạt chung một hành vi vi phạm là “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.

Đến Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đã tách thành hai hành vi với mức phạt khác nhau là: “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” với mức phạt thấp và hành vi “Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” với mức phạt cao hơn.

Trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP để xây dựng nghị định mới, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc tách nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thành hai hành vi vi phạm với hai mức phạt khác nhau như tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP dẫn đến tình trạng:

- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở chiều đường có đèn xanh đang sáng thường có xu hướng tăng tốc độ khi đi đến gần nút giao có lắp đèn tín hiệu giao thông (thay cho việc phải giảm tốc độ), vì cho rằng nếu có đèn đỏ thì sẽ phanh xe lại để chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn (là vi phạm tín hiệu đèn vàng). Tuy nhiên, khi người đi phía trước tăng tốc độ, kéo theo những người đi phía sau cũng tăng tốc độ (theo cảm tính về khoảng cách với xe chạy phía trước) và khi người đi phía trước chủ động phanh xe lại, những người đi phía sau sẽ không phanh xe kịp, dẫn đến hậu quả xảy ra va chạm cục bộ giữa các xe tại nút giao.

- Một số người tham gia giao thông đang dừng xe ở trước vạch dừng tại nút giao của chiều đường có đèn đỏ đang sáng cũng thường có xu hướng vội vàng điều khiển xe nhập vào trong nút giao ngay khi đèn đỏ vừa tắt và đèn vàng vẫn còn bật sáng, vì cũng cho rằng chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn (mức vi phạm tín hiệu đèn vàng). Dẫn đến hậu quả xảy ra va chạm, tai nạn giao thông và cản trở đối với các xe (của chiều đường có đèn xanh vừa mới tắt) đã nhập vào nút giao đang khẩn trương thoát ra khỏi nút giao, làm ách tắc giao thông tại nút giao.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự ATGT, tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã gộp hai hành vi này lại thành một hành vi là “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” như quy định tại các nghị định trước đây (trước Nghị định số 171/2013/NĐ-CP).

2. Ngoài ra, để tránh trường hợp người điều khiển phương tiện phải dừng đột ngột tại vạch dừng xe ở nút giao khi đèn tín hiệu vàng bật sáng, hiện nay, tại điểm 10.3.2 Điều 10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ năm 2016 (QCVN41:2016/BGTVT) có quy định “khi tín hiệu vàng bật sáng, trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn (vạch dừng xe), nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. Việc bổ sung quy định này vừa bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, vừa đáp ứng yêu cầu theo thông lệ quốc tế và khả thi trong thực tiễn.

H.Y

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục