Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIV, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận được kiến nghị của cử tri Tây Ninh và nhiều tỉnh, thành khác do Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến về các nội dung liên quan đến lĩnh vực do Uỷ ban Tư pháp phụ trách. Mới đây, Uỷ ban Tư pháp có văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri.
Cử tri kiến nghị, sớm xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra, xác định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền có lỗi gây ra oan sai, đồng thời quy định mức bồi thường thiệt hại hợp lý, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người bị oan, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở nước ta hiện nay.
Vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp cho biết, báo cáo tổng kết thực tiễn 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho thấy có nhiều hạn chế, bất cập trong quy định của luật, nhất là những quy định liên quan đến việc xác định thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, thủ tục bồi thường, trách nhiệm của người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật dẫn đến oan, sai...
Vì vậy, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trong đó đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để làm rõ hơn về các thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan, đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng tăng trách nhiệm của người có thẩm quyền có hành vi trái pháp luật gây ra oan, sai, góp phần nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự nói riêng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung. Dự kiến tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIV sẽ xem xét, thông qua dự án luật này.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong quá trình tham gia chỉnh lý dự thảo luật, Uỷ ban Tư pháp sẽ nghiên cứu, phối hợp với cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện quy định về xác định mức bồi thường và trách nhiệm của người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự có hành vi trái pháp luật gây ra oan, sai, cũng như khắc phục các quy định khác còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính minh bạch và khả thi.
Cử tri cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra sai sót trên. Uỷ ban Tư pháp trả lời như sau:
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, (BLHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật, qua phản ánh của cử tri và báo chí về một số sai sót của Bộ luật, UBTVQH đã chỉ đạo Uỷ ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát tổng thể BLHS năm 2015 để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục, bảo đảm áp dụng thống nhất.
Kết quả rà soát cho thấy, BLHS năm 2015 không sai về quan điểm, chủ trương lớn đã được UBTVQH, Quốc hội thảo luận, Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, nhưng có sai sót tại một số điều luật, ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật và xử lý tội phạm, cần phải sửa đổi mới thi hành được.
Ngày 29.6.2016, Quốc hội khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, đồng thời, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Tại kỳ họp thứ hai (tháng 10- 11.2016), Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật nêu trên, theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến 141 điều luật của BLHS năm 2015. Việc phải sửa đổi, bổ sung số lượng lớn như vậy là do một số trường hợp, cùng một lỗi kỹ thuật nhưng để bảo đảm thống nhất thì phải sửa các điều liên quan, ví dụ: các tội danh có quy định về nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Bên cạnh đó, qua rà soát, nhiều bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... đã kiến nghị sửa đổi một số điều luật khác nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và bảo đảm tính khả thi của Bộ luật.
Ngoài ra, sau khi BLHS năm 2015 được ban hành, qua thực tiễn đấu tranh tội phạm về ma tuý xuất hiện một số loại ma tuý mới như chất XLR-11 (có trong cỏ Mỹ) hoặc lá cây Khat (có chứa chất ma tuý Cathinone) nhưng chưa được quy định trong BLHS năm 2015 nên không có căn cứ để xử lý.
Mặt khác, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhận thức khác nhau về việc xác định hàm lượng chất ma tuý để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma tuý nên đang gặp khó khăn trong quá trình xử lý loại tội phạm này, do đó cần được xem xét, bổ sung trong BLHS, làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất.
Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi là nhằm khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm nhận thức thống nhất BLHS năm 2015. Việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khoá XIII thông qua, và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015.
Đồng thời, với tính phức tạp của dự án Luật và các yêu cầu đặt ra như đã nêu trên, để bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, tránh việc sau khi sửa đổi, bổ sung lại phát hiện những sai sót, Quốc hội đã nhất trí chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 2 mà giao UBTVQH chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng từng điều khoản của dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2017).
Cùng với việc tiến hành chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 một cách thận trọng, bảo đảm chất lượng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBTVQH, Thường trực Uỷ ban Tư pháp, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sai sót trên, qua đó, đúc rút bài học kinh nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật nói chung, ngăn ngừa không để xảy ra sự cố đáng tiếc như vụ việc trên.
P.TK (trích)