Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Công thương:
Trả lời cử tri về công tác bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình điện
Thứ tư: 15:25 ngày 18/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời cử tri Tây Ninh liên quan đến ngành Ðiện lực.

Công nhân Công ty Điện lực Tây Ninh sửa chữa đường dây điện- Ảnh minh hoạ Thuý Hằng.

Cử tri phản ánh, trong quá trình triển khai các dự án, công trình điện, ngành Ðiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Cụ thể, khi thực hiện BTGPMB các dự án lưới điện, các hộ dân bị ảnh hưởng khiếu nại với các lý do: mức hỗ trợ đất và tài sản bị ảnh hưởng bởi hành lang lưới điện theo quy định tại Nghị định 14/2014/NÐ-CP ngày 26.2.2014 của Chính phủ; đơn giá bồi thường đất và tài sản không sát theo giá thị trường, đơn giá tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh chênh lệch, mức hỗ trợ của các địa phương khác nhau...

Theo Luật Ðiện lực, Nghị định 14/2014/NÐ-CP ngày 26.2.2014 của Chính phủ, đối với đường dây 110kV đến 220kV, nhà của các hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường dây khi đủ điều kiện thì tồn tại, không phải di dời được hỗ trợ phần diện tích nhà và phần diện tích đất bị ảnh hưởng trong hành lang.

Tuy nhiên, các hộ dân đều yêu cầu được bồi thường để di dời ra ngoài hành lang tuyến, không chấp nhận nhà ở tồn tại trong hành lang tuyến, không chấp nhận hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng, cho nên không cho kéo dây, cản trở việc thi công dự án.

Cụ thể, tại khoản 3, Ðiều 51 Luật Ðiện lực số 28/2004/QH11 quy định: “Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ hành lang lưới điện đó”.

Tuy nhiên, luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa làm rõ khái niệm “nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc” nên trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hành lang an toàn dường dây có điện áp từ 110kV trở lên, Hội đồng bồi thường các địa phương gặp nhiều khó khăn để xác định công trình thuộc đối tượng phải giải toả di dời ra ngoài hành lang an toàn điện áp (ví dụ như: nhà kho, nhà giữ vườn, nhà trồng nấm, chuồng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...).

Ðề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xác định rõ khái niệm “nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc” trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện.

Về vấn đề trên, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Thực hiện Quyết định số 1078/QÐ-TTg ngày 25.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục văn bản để ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NÐ-CP ngày 26.2.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Ðiện lực về an toàn điện (dự thảo đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ ban hành trong tháng 3.2018).

Về bồi thường, hỗ trợ khi xây dựng công trình điện lực, dự thảo đã sửa đổi theo hướng:

Bãi bỏ những nội dung đã được quy định tại pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình điện lực trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để tránh chồng chéo.

Ðối với những nội dung Nghị định số 14/2014/NÐ-CP có quy định nhưng pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất không quy định, sửa đổi theo hướng nếu còn phù hợp thì tiếp tục thực hiện, và mức cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với từng địa phương.

Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Tây Ninh về việc làm rõ khái niệm “nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện” như kiến nghị nêu trên.

Bộ sẽ xem xét đề xuất sửa Khoản 3 Ðiều 51 Luật Ðiện lực theo hướng không cho nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp 500kV, không phân biệt có người thường xuyên sinh sống, làm việc hay không.

Hy Uyên

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục