Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ LÐ-TB&XH:
Trả lời cử tri về vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh
Thứ ba: 13:37 ngày 05/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản trả lời cử tri Tây Ninh về vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

Cử tri Tây Ninh kiến nghị Bộ LÐ-TB&XH xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLÐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, được quy định ở Ðiều 3 và Ðiều 6; xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2013/TT-BLÐTBXH ngày 15.5.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân, được quy định tại khoản 11, Ðiều 4; khoản 3, Ðiều 17; Ðiểm b, khoản 2, Ðiều 33.

Theo các quy định trên của thông tư, địa phương không thực hiện được do có một số đối tượng như: người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học… không có các giấy tờ gốc như thông tư đã quy định.

Về những vấn đề trên, Bộ LÐ-TB&XH cho biết, việc sử dụng người làm chứng thay thế các giấy tờ gốc để xác nhận liệt sĩ, thương binh được thực hiện nhiều lần, từ năm 1956 đã giải quyết tồn đọng trên cơ sở xác nhận của hai người làm chứng (Nghị định số 899/TTg ngày 25.5.1956 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 47/TB-LS3 ngày 28.5.1956 của Bộ Thương binh). Do vậy, đến nay, cơ bản những người có công với cách mạng đã được hưởng chế độ ưu đãi.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy, lợi dụng việc đơn giản hoá thủ tục hồ sơ, áp dụng cơ chế xác nhận của hai người làm chứng, đã xuất hiện trên diện rộng tình trạng rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn man khai, gian lận hồ sơ để hưởng sai chế độ, khiến những người thực sự có công bất bình và dư luận xã hội bức xúc.

Kéo theo đó là số đơn, thư kiến nghị, tố cáo ngày càng tăng, làm mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan chức năng để đi kiểm tra, giải quyết và xử lý, kể cả xử lý về hình sự.

Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng vẫn được tiếp tục thực hiện nhưng phải dựa trên cơ sở pháp lý, bảo đảm chặt chẽ nhất định nhằm ngăn ngừa tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để trục lợi chính sách, hưởng chế độ trợ cấp và danh hiệu Nhà nước tôn vinh.

Ðối với những trường hợp đã thiết lập hồ sơ mà không đủ điều kiện giải quyết theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLÐTBXH-BQP, thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7.3.2017 của Chính phủ, ngày 20.3.2017, Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QÐ-LÐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LÐ-TB&XH, Bộ CHQS tỉnh/thành phố và Công an tỉnh/thành phố trở lên (khoảng 5.900 hồ sơ). Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ thuộc đối tượng này.

Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề phức tạp, vì nhân chứng hầu như không còn, hồ sơ thất lạc, không có giấy tờ, căn cứ chứng minh. Vì vậy, các bước tiến hành cần thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao sự giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí.

Tính đến ngày 30.6.2017, Bộ LÐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành Công an, Quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trên cơ sở kết quả thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ LÐ-TB&XH sẽ từng bước nghiên cứu mở rộng việc xác nhận hồ sơ tồn đọng đối với các đối tượng khác.

Hy Uyên

Tin cùng chuyên mục