Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bà Nguyễn Thị Lá phản ánh việc đoàn cưỡng chế huyện Tân Biên cày, lấy đất của gia đình bà trái pháp luật.

![]() |
Bà Nguyễn Thị Lá, 62 tuổi, ngụ ấp Gò Cát, xã Tân Phong, huyện Tân Biên gửi đơn đến Báo Tây Ninh phản ánh việc đoàn cưỡng chế huyện Tân Biên cày, lấy đất của gia đình bà trái pháp luật. Bà Lá cho rằng, thành viên đoàn cưỡng chế đánh đập hành hung người dân và gián tiếp gây ra cái chết thương tâm cho chồng bà là ông Lê Hồng Kỳ, 82 tuổi.
Bà Lá trình bày, tại Bản án số 310/2009/DSPT ngày 28.9.2009 của TAND tỉnh xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng bà với vợ chồng ông Nguyễn Quang Truyền và bà Nguyễn Thị Mướp, ngụ thị trấn Tân Biên. Quyết định bản án yêu cầu vợ chồng bà Lá phải có trách nhiệm hoàn trả cho vợ chồng ông Truyền số tiền là 150 triệu đồng. Căn cứ vào quyết định bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành, cho đến nay án đã có hiệu lực, gia đình bà yên tâm trồng mì trên phần đất tranh chấp với diện tích 1,1 ha. Thế nhưng không hiểu sao đất bà đang trồng mì, vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 28.12.2011, đoàn cưỡng chế của huyện Tân Biên với số lượng lên khoảng 40 người đã cho xe máy cày vào cày bỏ toàn bộ diện tích đất 1,1 ha mà gia đình bà đang trồng mì.
Trước sự việc trên, con trai bà là Lê Văn Sỹ (là người bị tâm thần) đã ngăn cản vì mì của mình bị hư hại. Đoàn cưỡng chế đã khống chế và đánh đập con bà. Sau đó, hai đứa con khác là Lê Văn Thuận và Lê Văn Lợi thấy Sỹ bị đánh nên vào ngăn cản cũng bị đánh luôn. Ông Kỳ thấy vậy nên la lên: “Tại sao các ông đánh con tôi, con tôi bị tâm thần”. Vì quá tức giận nên ông Kỳ đã chết.
Để làm rõ vấn đề bà Lá đã nêu, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nội dung Bản án số 310/2009/DSPT, buộc ông Kỳ và bà Lá có trách nhiệm trả lại cho ông Truyền, bà Mướp 150 triệu đồng. Ngày 20.12.2011, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Biên có thông báo về việc cưỡng chế thi hành án đối với ông Kỳ, bà Lá, buộc chuyển giao QSDĐ gồm 1,1 ha. Thời gian cưỡng chế lúc 8 giờ ngày 28.12.2011. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế thì xảy ra sự việc đáng tiếc như đã nêu ở phần trên. Về vấn đề này, Thượng tá Lê Thanh Gươm, Phó Trưởng Công an huyện Tân Biên cho biết như sau: Thực hiện kế hoạch đảm bảo ANTT về việc cưỡng chế, Công an Tân Biên đã làm đúng pháp luật, không đánh Lê Văn Sỹ, con ông Kỳ, bà Lá mà chỉ ngăn cản không cho người dân tấn công lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ.
Về cái chết của ông Kỳ, Thượng tá Hồ Văn Trân, Phó Trưởng Công an huyện Tân Biên cho biết như sau: Vào lúc 8 giờ ngày 28.12.2011, Công an huyện tham gia bảo vệ ANTT vụ cưỡng chế. Sau khi chấp hành viên giải thích và thuyết phục ông Kỳ, bà Lá tự nguyện giao đất nhưng không được nên chấp hành viên thông qua quyết định cưỡng chế, cùng với cán bộ địa chính huyện và xã Tân Phong đo đất, cắm cọc. Đến khoảng 9 giờ 20 phút, việc thương lượng giữa ông Truyền và gia đình ông Kỳ về tiền chi phí trồng mì trên đất bị cưỡng chế không thành nên chấp hành viên tiến hành cho máy cày cày bỏ mì để giao đất trắng cho ông Truyền. Khi máy đang cày thì con và vợ ông Kỳ ra ngăn cản nhưng được lực lượng giữ gìn ANTT ngăn chặn kịp thời. Lúc này ông Kỳ đi ra ngoài sân, sau đó đi qua đi lại rồi tự té xuống đất bất tỉnh. Lực lượng y tế đưa ông Kỳ lên xe cứu thương chở về Trung tâm Y tế huyện Tân Biên cấp cứu, đến 10 giờ 25 phút ông Kỳ tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, được sự hỗ trợ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tây Ninh tiến hành khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường. Qua khám nghiệm tử thi, nhận định ban đầu ông Kỳ chết do bị nhồi máu cơ tim.
SÔNG NINH