Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Trịnh Văn Phước, 43 tuổi, ngụ ấp An Khương, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng phản ánh: Khoảng 13 giờ 30 ngày 19.6.2009, ông Phước bị tai nạn giao thông, chân bị một vết thương khá sâu và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trảng Bàng…
Ông Trịnh Văn Phước, 43 tuổi, ngụ ấp An Khương, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng phản ánh: Khoảng 13 giờ 30 ngày 19.6.2009, ông Phước bị tai nạn giao thông, chân bị một vết thương khá sâu và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trảng Bàng. Tại phòng cấp cứu, ông Phước không được chữa trị mà chuyển xuống khoa ngoại để rửa và vá vết thương. Vá vết thương xong, thầy thuốc điều trị cho ông ở khoa ngoại kê toa thuốc kèm theo thẻ bảo hiểm y tế của ông Phước, yêu cầu ông xuống quầy thuốc của bệnh viện nhận thuốc. Đến khoảng 15 giờ, người trực phòng thuốc cho ông Phước biết thẻ bảo hiểm của ông không được nhận thuốc ở tuyến huyện mà phải về xã An Tịnh. Ông Phước bức xúc cho rằng bệnh viện đã có thái độ tắc trách, quan liêu trong việc cư xử, chăm sóc bệnh nhân bởi suốt từ thời gian vào cấp cứu cho đến hơn 15 giờ, ông vẫn chưa được uống thuốc giảm đau…
Trả lời những phản ánh của ông Trịnh Văn Phước, lãnh đạo BVĐK huyện Trảng Bàng cho biết: Việc khoa cấp cứu chuyển bệnh nhân Phước xuống khoa ngoại để rửa và may vết thương ở chân là không trái với quy định điều trị tại bệnh viện. Căn cứ vào tình trạng thương tích và sức khoẻ của ông Phước, khoa cấp cứu chuyển ông xuống khoa ngoại để điều trị là phù hợp. Tuy nhiên, những cán bộ y tế khoa ngoại điều trị cho ông Phước đã có sơ suất, không nhận rõ thẻ bảo hiểm y tế của ông thuộc tuyến xã cấp thuốc nên đã yêu cầu ông đến quầy thuốc của Bệnh viện nhận thuốc, làm mất thời giờ của ông và gia đình. Nếu như cán bộ y tế khoa ngoại điều trị cho ông Phước cẩn thận hơn thì sau khi kê toa, sẽ yêu cầu ông Phước về Trạm Y tế xã An Tịnh nhận thuốc. Việc ông Phước cho rằng từ khi vào cấp cứu cho đến hơn 15 giờ mà vẫn chưa được uống thuốc giảm đau khiến ông bị khổ sở, là không đúng, vì lúc điều trị ở khoa ngoại, ông Phước đã được tiêm thuốc giảm đau.
Từ trường hợp của ông Phước, Ban Giám đốc BVĐK huyện Trảng Bàng đã làm việc với những cán bộ, nhân viên có liên quan đến vụ việc, sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sai sót này nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Ban Giám đốc BVĐK huyện Trảng Bàng rất mong nhận được sự thông cảm từ phía ông Phước và gia đình ông trước sai sót đáng tiếc vừa qua.
TÂM – LONG – AN