BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lời thư bạn đọc: Có hay không chuyện bác sĩ nhỗ nhầm răng không đau?

Cập nhật ngày: 13/05/2009 - 03:21

LTS: Trên Báo Tây Ninh số ra ngày 23.4.2009, ở trang 6 (Dân chủ – Pháp luật) có bài viết “Nhổ… răng không đau” của bạn đọc Nguyễn Văn Thái, ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, Hoà Thành. Bài viết anh Thái phản ánh việc bác sĩ phòng khám Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh nhổ nhầm răng không đau của bệnh nhân. Sau khi Báo đăng, chúng tôi nhận được phản hồi từ BVĐK. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng toàn bộ công văn trả lời.

Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đã chỉ đạo khoa Răng Hàm Mặt họp kiểm điểm vụ việc. Qua tổng hợp các ý kiến của khoa Răng Hàm Mặt và của hội đồng chuyên môn, nay Bệnh viện đa khoa xin trả lời như sau:

Sở dĩ có việc tác giả bài báo cho là các bác sĩ nhổ nhầm “răng không đau” là do tác giả không hiểu đúng bản chất của vụ việc. Từ đó có sự hiểu lầm và qui cho là bác sĩ bị “tai nạn nghề nghiệp” hay “tẩu hoả nhập ma”, nên đã nhổ nhầm răng lành. Từ bài viết này, đã gây xôn xao trong dư luận và ít nhiều làm mất lòng tin của bệnh nhân vào khả năng chuyên môn của BVĐK TN. Chúng tôi xin giải thích để anh Nguyễn Văn Thái cùng bạn đọc hiểu rõ sự việc.

Khi bệnh nhân Thái đến khám bệnh, bác sĩ phòng khám Răng Hàm Mặt ghi nhận 2 răng số 47 và 48 của bệnh nhân đều bị bệnh sâu răng (không phải là răng 24 và 25 như anh Thái nêu trong bài báo). Tuy là răng 47 bị tổn thương và đau nhức, nhưng bác sĩ muốn giữ lại để điều trị nội nha bảo tồn. Răng 48 (răng khôn – răng cùng), đã bị sâu răng phá huỷ toàn bộ ống tuỷ, nên răng này không còn đau nữa, có nghĩa là răng đã chết, bác sĩ nhổ bỏ đi là đúng chỉ định. Hơn nữa trục đứng của răng 48 lại nghiêng 45 độ, chỏi vào răng 47 góp phần gây đau. Sau khi nhổ bỏ răng 48, bác sĩ có đưa cái răng bị hư hết phần thân răng để bệnh nhân xem và bệnh nhân cũng đồng ý với bác sĩ đó là răng bị hư đáng phải nhổ đi. Bệnh nhân đã được cho toa về điều trị tiếp.

Sơ đồ răng của bệnh nhân Nguyễn Văn Thái

Khi về nhà, anh Thái thấy còn răng 47 là răng gây đau nhức, nên cho rằng bác sĩ đã nhổ lầm. Cùng ngày hôm đó, bệnh nhân quay lại Bệnh viện than phiền là răng này gây đau và không muốn điều trị nội nha, vừa mất công đi lại vừa tốn kém (mỗi lần điều trị là 400.000 đồng và phải đi lại 5-7 lần). Do thông cảm với những khó khăn của bệnh nhân và đánh giá răng 47 nếu điều trị nội nha thì bệnh nhân phải quyết tâm hợp tác mới thành công, nên bác sĩ thuận theo ý bệnh nhân và nhổ tiếp răng 47. Từ việc trong cùng ngày mà nhổ răng 2 lần đã gây ngộ nhận là lần đầu bác sĩ nhổ nhầm răng không đau (!).

Từ trường hợp này, Bệnh viện xin giải thích thêm về góc độ chuyên môn: Trong hàm răng người trưởng thành có 32 cái. Răng mọc cuối cùng vào lúc tuổi trưởng thành nên còn gọi là răng cùng hay răng khôn. Răng này có chức năng ít quan trọng mà có khi còn là “cậu út ngỗ ngược”. Giới chuyên môn có câu nói về răng cùng là “răng khôn mà lại mọc dại”. Hay mọc ngầm, mọc ngược, mọc lạc chỗ, mọc lệch. Khi mọc nghiêng sẽ chỏi vào hông răng kế bên gây đau, gây cứng hàm gọi là tai biến răng khôn thường phải nhổ bỏ. Do vậy, khi mọc xiên trục còn tạo khe trống giữa 2 răng dễ gây nhét thức ăn vào kẽ, là yếu tố làm phát triển bệnh sâu răng, phá huỷ răng chủ lực kề bên (đây là trường hợp của bệnh nhân Thái).

Về phương diện bệnh học, một răng mới bị sâu, có hiện tượng nhiễm trùng viêm tấy trong tuỷ răng thường gây đau nhức dữ dội, hành hạ bệnh nhân. Nếu thân răng còn tương đối tốt, bác sĩ sẽ điều trị nội nha bảo tồn để có giữ lại răng cho bệnh nhân nhất là các răng chủ lực, hoặc là các răng thuộc “hàng tiền đạo” có chức năng thẩm mỹ. Đối với các răng bị bệnh sâu răng nặng, kéo dài, thân răng bị phá huỷ nhiều và phức tạp, đã có hiện tượng nhiễm trùng ở chóp chân răng, lúc đó răng đã chết tuỷ, bệnh nhân thường rất ít đau nhức và cái răng đó cũng mất hết chức năng. Bác sĩ sẽ nhổ bỏ để loại trừ ổ viêm nhiễm giữ sạch môi trường khoang miệng bảo vệ các răng còn lại.

Mỗi ngày, tại phòng khám Răng Hàm Mặt Bệnh viện tỉnh phải khám và điều trị số bệnh nhân quá tải, vì bệnh nhân quá đông nên có khi bác sĩ không có đủ thời gian để giải thích cặn kẽ, trao đổi bàn bạc với bệnh nhân về tiến trình chữa trị. Hoặc do giải thích vắn tắt, sơ lượt nên làm bệnh nhân hiểu lầm ý bác sĩ như trường hợp của anh Thái. Như đã phân tích ở trên, cái răng nào cần nhổ, cái răng nào nên giữ lại, có cái răng đau nhức lại không nhổ, cái không đau lại nhổ đi, nhổ bỏ hay giữ lại đều là do yêu cầu chuyên môn, có chỉ định rõ ràng và là giải pháp tốt nhất cho người bệnh. Nhưng vì bệnh nhân quá đông bác sĩ đã không thể giải thích đầy đủ, từ đó dẫn đến việc ngộ nhận. Hậu quả là bệnh nhân phiền lòng vì bị nhổ nhầm răng còn bác sĩ mang tiếng oan là tay nghề kém hay đãng trí.

Qua trường hợp này, Ban giám đốc Bệnh viện ghi nhận và đã nhắc nhở các y, bác sĩ. Đó là trong công tác khám chữa bệnh, cần giải thích rõ cho bệnh nhân biết tình hình bệnh trạng, giúp bệnh nhân hiểu một số khía cạnh chuyên môn để từ đó đồng thuận, cùng hợp tác với bác sĩ trong quá trình trị liệu. Trong một số trường hợp khi phải lựa chọn phương thức đều trị có tính chất “50 -50” thì cần giải thích tường tận và tham khảo ý kiến của bệnh nhân để đưa ra quyết định sau cùng, từ đó giúp bệnh nhân tin tưởng chuyên môn, an tâm điều trị.

Bs. Trương Minh Sang

Giám đốc BVĐK Tây Ninh