Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của lần sửa đổi này là Bộ GD&ĐT dự kiến giao cho nhà trường chọn sách giáo khoa giống như trước khi sửa đổi cách nay 3 năm.
Nhà trường thành lập Hội đồng chọn sách
Điều 4 của dự thảo quy định, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Hội đồng) do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông) thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng.
Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng, bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn; đại diện giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người.
Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 5 người. Cơ cấu Hội đồng bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các thành viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông, trong trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông không được tham gia Hội đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của thông tư này và các trường hợp phải vắng mặt vì lý do bất khả kháng thì chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông; phó chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông; thư ký Hội đồng được chọn trong số các thành viên Hội đồng. Người đã tham gia biên soạn hoặc chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa và người làm việc ở các nhà xuất bản, tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia Hội đồng.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 3/4 số thành viên tham gia, trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký Hội đồng. Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được lập thành biên bản, trong đó bao gồm đầy đủ các ý kiến của các thành viên và được công khai tại Hội đồng. Biên bản phải có chữ ký của chủ tịch và thư ký Hội đồng.
Quy trình chọn sách
Sách giáo khoa mới.
Điều 7 dự thảo quy trình lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông như sau:
Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn SGK, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.
Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục phổ thông (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường) tham gia lựa chọn SGK của môn học đó. Chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các SGK của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các SGK môn học theo các tiêu chí lựa chọn.
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một SGK cho môn học đó.
SGK được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có SGK nào đạt 1/2 số giáo viên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, phân tích với các tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại.
Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không có SGK nào được trên 1/2 số giáo viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì tổ chuyên môn quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu lựa chọn cao nhất trong hai lần bỏ phiếu.
Điều 8 dự thảo quy định thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn SGK. Theo đó, Phòng GD&ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này, sau đó báo cáo Sở GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý. Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 thông tư này. Sau đó rà soát báo cáo của các Phòng GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả, lập danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông (kèm theo hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại khoản 5 Điều 7 thông tư này, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
Đổi mới bằng cách quay về cái cũ
Đối chiếu quy định hiện hành (Thông tư 25 năm 2020), dự thảo lần này có một số thay đổi quan trọng. Trước hết, Hội đồng lựa chọn SGK của các trường do hiệu trưởng thành lập, mỗi trường là một hội đồng.
Trong khi đó, Thông tư 25 quy định “Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK”. Sự điều chỉnh này nhằm tránh dư luận “xì xào” chuyện có thể có tiêu cực, tạo thế độc quyền về SGK ở địa phương, người dạy và người học chưa thực sự được chọn sách.
Ngày 1.6.2023, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) phát biểu “có tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn SGK”. Đại biểu này còn đi xa hơn khi nhận định, không khéo sẽ có “một Việt Á trong việc chọn SGK”. Do đó, đại biểu đề nghị giao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường, chứ không phải UBND cấp tỉnh.
Quy trình lựa chọn SGK theo dự thảo thông tư thì Bộ GD&ĐT đề cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Bộ đã lắng nghe, tôn trọng ý kiến của giáo viên trong việc lựa chọn SGK mới.
Trên lý thuyết, quy trình lựa chọn SGK theo dự thảo thông tư được nhìn nhận là kín kẽ theo trình tự: Hội đồng xây dựng kế hoạch, tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn SGK, Hội đồng đánh giá việc lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn, Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK, Sở GD&ĐT trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Dự thảo quy định “UBND cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương” cũng là điểm mới. Thông tin này giúp học sinh, phụ huynh chủ động trong việc mua SGK trước khi vào năm học.
Với việc sửa đổi lần này, hội đồng chọn sách quay lại như đầu năm 2020, năm đầu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào sử dụng, quyền chọn SGK là của các cơ sở giáo dục. Sau đó, vì cho rằng việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường dẫn đến nhiều xáo trộn, lộn xộn, thiếu thống nhất, Bộ GD&ĐT quy định “UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa”.
Từ năm học 2021-2022 đến nay, việc chọn SGK thực hiện theo Luật Giáo dục, quyền quyết định lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông do UBND cấp tỉnh. Hội đồng chọn sách do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến. Về nguyên tắc, muốn thay đổi quyền chọn sách như trong dự thảo thì phải… sửa Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019.
Việt Đông