BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trách nhiệm thiêng liêng, tình cảm sâu nặng 

Cập nhật ngày: 10/02/2024 - 16:54

BTN - Sự hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử vàng của dân tộc. Sự hy sinh đó mãi mãi được Tổ quốc, các thế hệ ghi nhớ và tri ân.

Trân trọng những cống hiến, hy sinh lớn lao của các Mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, những năm qua, việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm. Đó không chỉ là trách nhiệm thiêng liêng, còn là tình cảm, sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chảy chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong lễ công bố xã Đồng Khởi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Sự hy sinh thầm lặng

Chiến tranh đã lùi xa, những dòng ký ức cuộc đời “mảng còn, mảng mất”, nhưng tận sâu trong tâm trí Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chảy (sinh năm 1933, ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) vẫn luôn tự hào về những người con của mình, bởi họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Mẹ Nguyễn Thị Chảy sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân tại xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Lớn lên, bà lập gia đình và sinh được 12 người con, trong đó có 2 người con tham gia kháng chiến chống Mỹ đã hy sinh, đó là liệt sĩ Lê Văn Xé (hy sinh tháng 10.1953) và liệt sĩ Trần Văn Ré (hy sinh 9.9.1969) (anh em cùng mẹ khác cha).

Vào năm 1953, mẹ động viên người con trai lớn là Lê Văn Xé tham gia cách mạng; đến năm 1969 lại động viên người con trai thứ 3 là Trần Văn Ré làm du kích xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Khi hai người con tham gia cách mạng, mẹ luôn động viên, nhiều lần mang thuốc men, tiếp tế gạo cho anh em đồng đội của các con.

Tháng 10.1953, mẹ đau xót nhận tin người con trai lớn Lê Văn Xé hy sinh. Nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn chưa nguôi, đến ngày 9.9.1969, mẹ lại nhận tin người con Trần Văn Ré (sinh năm 1951) anh dũng hy sinh trong trận đánh tại ngã ba Vịnh.

Để tri ân và ghi nhận những hy sinh, đóng góp to lớn cho đất nước, năm 2016, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN tỉnh trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Nguyễn Thị Chảy.

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Hội Phụ nữ Công an tỉnh đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ánh (sinh năm 1935). Tuổi cao nhưng mẹ Ánh còn rất minh mẫn, khoẻ mạnh, trò chuyện vui vẻ khi có cán bộ, chiến sĩ Công an đến thăm. “Mẹ rất xúc động trước sự quan tâm của Hội Phụ nữ Công an đối với thân nhân gia đình liệt sĩ. Mỗi lần các con đến, mẹ lại thấy vui vì nhà cửa có thêm tiếng nói, tiếng cười”- Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ánh chia sẻ.

Hội Phụ nữ Công an Tây Ninh đến thăm hỏi sức khoẻ Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ánh.

Mẹ Ánh có 1 người con trai là liệt sĩ Lê Văn Trí, cán bộ An ninh huyện Dương Minh Châu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, mẹ sinh sống cùng con gái nuôi là chị Lê Thị Thu Hồng (sinh năm 1978) tại ấp Lộc Trung, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu. Chị Lê Thị Thu Hồng cho biết, những năm qua, gia đình được chính quyền địa phương, các ban, ngành đơn vị rất quan tâm giúp đỡ, thường xuyên đến thăm, động viên khi mẹ đau ốm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách.

Rời nhà mẹ Ánh, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hai (sinh năm 1933) ở thành phố Tây Ninh. Nghe có người đến thăm, mẹ Hai vui lắm. Trong gian thờ treo danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con, mẹ Hai kể về truyền thống cách mạng của gia đình. Năm 1952, mẹ kết hôn, về nhà chồng ở An Tịnh (Trảng Bàng); chồng mẹ- liệt sĩ Phạm Văn Sưa tham gia cách mạng từ năm 1947, là cán bộ Ban An ninh tỉnh.

Ở hậu phương, mẹ vừa nuôi con, vừa làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực ra chiến trường, đào hầm nuôi giấu bộ đội và cán bộ hoạt động cách mạng. Khi con trưởng thành, mẹ động viên các con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Năm 1972, trong trận bom ở Gò Chùa (huyện Gò Dầu), con của mẹ là Phạm Văn Dân, cán bộ Ty Công an Tây Ninh đã hy sinh.

Tri ân và bù đắp nỗi đau chiến tranh, Hội Phụ nữ Công an Tây Ninh thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc, nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Lê Thị Hai và mẹ Phạm Thị Ánh. Thiếu tá Nguyễn Thị Tố Nguyên- Trưởng Ban Phụ nữ, Công an tỉnh cho biết, đây không chỉ là trách nhiệm, còn là niềm vinh dự đối với cán bộ, chiến sĩ; thể hiện lòng tri ân của lực lượng Công an Tây Ninh nói chung, Hội Phụ nữ Công an tỉnh nói riêng với những đóng góp, hy sinh to lớn của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đến thăm các mẹ, hội viên còn được hiểu hơn về một thời mưa bom, bão đạn qua những câu chuyện kể của các mẹ. Bên cạnh việc phụng dưỡng, thăm hỏi hằng tháng, vào các ngày lễ, tết, Hội Phụ nữ Công an các cấp tặng quà, thường xuyên theo dõi, chăm sóc sức khoẻ cho các mẹ mỗi khi ốm đau; hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ liệt sĩ, tổ chức bữa cơm thân mật cùng các mẹ nhằm chia sẻ, động viên mẹ vượt qua nỗi đau, sống vui sống khoẻ.

Hội Phụ nữ Công an Tây Ninh đến thăm hỏi sức khoẻ Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hai.

“Những mất mát của các mẹ không gì bù đắp được. Mong rằng sự gần gũi, chăm sóc của chúng tôi sẽ phần nào giúp các mẹ sống vui vẻ những năm tháng tuổi già; tiếp tục động viên con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, phấn đấu học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”- Trưởng Ban Phụ nữ, Công an tỉnh chia sẻ.

Mãi là gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

Cùng với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, tuổi trẻ Tây Ninh tích cực phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Với tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc, các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Anh Trần Minh Thành- Bí thư Xã đoàn Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã còn một Mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức Đoàn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, phụng dưỡng. Trong năm, Xã đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức 3 đợt thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chảy vào các dịp lễ, tết.

Đơn vị tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, gia đình chính sách bằng những hoạt động thiết thực như: tổ chức bữa cơm yêu thương, hành trình “Tìm về địa chỉ đỏ”, nghe kể chuyện lịch sử, thăm hỏi, tặng quà, qua đó tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên về lòng yêu nước, công tác đền ơn đáp nghĩa.

Việc chăm lo Mẹ Việt Nam anh hùng được Thành đoàn Tây Ninh quan tâm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, việc làm ý nghĩa của thế hệ trẻ với những đóng góp, hy sinh to lớn của các Mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc (Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm)

“Mỗi lần đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chảy, tôi rất xúc động và tự hào khi được nghe kể về cuộc đời, nỗi đau, sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu, tích cực học tập, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”- anh Nguyễn Thái Nguyên- Bí thư Chi đoàn Quân sự xã Đồng Khởi chia sẻ.

Anh Lê Tấn Phát- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh cho biết, việc chăm lo Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố luôn được tổ chức Đoàn triển khai thực hiện, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, việc làm hết sức ý nghĩa của thế hệ trẻ với những đóng góp, hy sinh to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội từ thành phố đến cơ sở tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: hành trình “Tìm về địa chỉ đỏ”; thăm hỏi, khám bệnh, động viên tinh thần, trao những phần quà tri ân; sửa chữa điện, vệ sinh nhà cửa; thực hiện chương trình “Bữa cơm tri ân”; mô hình “Ký ức lịch sử”…

Năm 2023, Thành đoàn tổ chức chuyến hành trình cho đoàn viên, thiếu nhi đến thăm hỏi, trao quà và lưu lại những hình ảnh đẹp với 22 Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn toàn tỉnh (dự kiến sẽ tổ chức triển lãm về chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời gian tới). “Việc lưu giữ những hình ảnh về Mẹ Việt Nam anh hùng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là tư liệu quý trong công tác tuyên truyền cho thế hệ trẻ mai sau”- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh cho biết.

Thiếu nhi Tây Ninh xúc động khi nghe Mẹ Việt Nam anh hùng kể về sự hy sinh của con trong thời chiến tranh (Ảnh: Lê Tấn Phát)

Quá trình triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Thành đoàn nhận thấy các cấp bộ Đoàn từ thành phố đến cơ sở đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng. Qua đó hun đúc thêm lòng yêu nước, truyền thống quý báu của dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong từng cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi cố gắng phấn đấu, ra sức rèn luyện, học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, đóng góp sức trẻ vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

“Ban Thường vụ Thành đoàn tiếp tục quan tâm đến công tác chăm lo cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn; không ngừng đổi mới, sáng tạo, cách làm hiệu quả, thiết thực trong từng hoạt động phong trào cách mạng của Đoàn; tổ chức gặp gỡ không chỉ vào các dịp lễ, tết mà còn trong các hoạt động thường ngày để thế hệ trẻ có cơ hội trải nghiệm thực tế, được nghe các Mẹ Việt Nam anh hùng kể chuyện lịch sử hào hùng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh chia sẻ.

Tri ân và bù đắp nỗi đau

Trên địa bàn tỉnh có 19 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, chế độ trợ cấp khác theo quy định. Thời gian qua, công tác chăm lo Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Trong đó có sự hỗ trợ, đóng góp quý báu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần chung tay cùng địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đến nay, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều có các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời (có mẹ được 2-3 đơn vị nhận phụng dưỡng).

Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đều phối hợp với các ngành liên quan, địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách người có công (bao gồm Mẹ Việt Nam anh hùng) có khó khăn về nhà ở để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa kịp thời. Ngoài những mẹ có nhà do gia đình tự xây, phần lớn các mẹ đều được địa phương hỗ trợ xây nhà tình nghĩa theo quy định. Trong các dịp lễ, tết, ngoài mức quà do Chủ tịch nước tặng, các Mẹ Việt Nam anh hùng đều được lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà. Những nghĩa cử cao đẹp đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, động viên tinh thần, làm vơi đi những nỗi đau để các mẹ có cuộc sống tốt hơn.

Trên địa bàn xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành hiện có 371 người thuộc đối tượng chính sách, người có công. Trong đó, có 1 Mẹ Việt Nam anh hùng, 27 thương binh, 2 bệnh binh; số còn lại là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, bị địch bắt tù đày và hưởng chế độ theo các quyết định trợ cấp một lần của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Rạng Đông- Chủ tịch UBND xã Đồng Khởi cho biết, thấu hiểu những mất mát, sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước để giành độc lập, tự do cho dân tộc, thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền và các ban, ngành luôn triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần các gia đình chính sách. Đặc biệt, công tác chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chảy luôn được chính quyền địa phương chú trọng, thường xuyên cử cán bộ xuống thăm hỏi sức khoẻ, động viên tinh thần, thăm khám bệnh cho Mẹ.

Đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi Tây Ninh thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng (Ảnh: Lê Tấn Phát)

Hiện nay, xã Đồng Khởi thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho 62 đối tượng chính sách, người có công với tổng số tiền hơn 120 triệu đồng/tháng. Trong năm 2023, xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 320 triệu đồng; vận động mạnh thường quân tài trợ sửa chữa 1 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trị giá 40 triệu đồng; thăm, tặng quà đối tượng chính sách tiêu biểu, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết được 317 lượt đối tượng; hỗ trợ 1 trường hợp thương binh vay vốn giải quyết việc làm 30 triệu đồng; vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 97 triệu đồng…

Xác định chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có vai trò quan trọng, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các hoạt động này.

Trong đó, tập trung chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của người đi sau, nhằm bù đắp phần nào những tổn thất, mất mát của người đi trước. 

Các hoạt động được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt như: thăm hỏi, tặng quà, nhận phụng dưỡng 5 Mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2023, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; thăm, tặng quà đối tượng chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn 800 triệu đồng.

Đơn vị thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến qua từng thời kỳ 509 trường hợp, chi hơn 1 tỷ đồng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, từ năm 2022-2023 đã cất bốc, hồi hương 142 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước.

Mất mát lớn nhất là mất mát về con người. Sự hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử vàng của dân tộc. Sự hy sinh đó mãi mãi được Tổ quốc, các thế hệ ghi nhớ và tri ân.

Đ.N - P.T