Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nói nôm na, Trai đường là cái nhà ăn chay cho chức sắc, tín đồ và khách hành hương về dự lễ hội Cao Đài. Cái nhà ấy, vào ngày thường, tương đối rộng thoáng sẽ phục vụ được 550 người ăn cùng một lúc.

Nói nôm na, Trai đường là cái nhà ăn chay cho chức sắc, tín đồ và khách hành hương về dự lễ hội Cao Đài. Cái nhà ấy, vào ngày thường, tương đối rộng thoáng sẽ phục vụ được 550 người ăn cùng một lúc. Nhưng vào dịp lễ, việc dựng thêm nhà rạp cộng với việc kê thêm bàn tròn sẽ phục vụ đồng thời hàng ngàn người. Mặt bằng nhà có hình chữ nhật kích thước: 16 x 54 mét, chia ra làm 12 gian và 3 nhịp. Gian rộng 4,5m và nhịp đối xứng, kích thước lần lượt là 5 - 6 - 5 mét. Tính ra diện tích là 864 mét vuông.
Trai đường gần giống ngôi võ ca ở các ngôi thờ tín ngưỡng dân gian. Tức là nhà chỉ có cột, tường xây bít đầu hồi, lan can mà không có cửa, ngoài tám bước gian không xây lan can làm lối ra vào. Cấu trúc mái tuy khá đơn giản nhưng kết cấu vì kèo được làm bằng bê tông cốt sắt. Hai bán kèo hai nhịp bên, ở giữa nhô lên cao một bộ vì kèo cân xứng làm thành hệ mái kiểu chồng diêm, tạo điều kiện cho việc thoát khí nóng bên trong vào lúc đông người, khi cơm và thức ăn nghi ngút khói… Cứ theo những chữ đắp vữa xi măng ở trên hai bức tường hồi, thì ta được biết Trai đường hiện nay chỉ mới xây xong vào năm Tân Mùi, 1991. Nhưng trước đó đã có một ngôi nhà tương tự được xây dựng từ khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ trước giống hệt nó về quy mô, kích thước và ở vị trí kế bên ngôi nhà hiện tại (về phía Bắc). Ngôi nhà ấy đã bị hư hại nhiều và được tháo dỡ từ năm 1990. Ngang với nó, ở bên kia đường Cao Thượng Sanh vẫn còn một ngôi nhà trù (bếp) cũ để phục vụ cho Trai đường cũ, nay vẫn để trống phục vụ du khách nghỉ tạm mỗi mùa lễ hội. Còn ngôi bếp hiện tại, ở vị trí song hành với Trai đường cũng được xây dựng giống như ngôi nhà trù nọ, với kích thước bề ngang 9,0 mét, bề dài 36 mét, chia làm 9 gian. Vào một ngày thường, sẽ dễ nhận ra đây là một kiến trúc có tỷ lệ hài hoà, tạo ấn tượng đẹp dù chỉ là ngôi bếp. Đấy là nhờ những vòm cong ở hai phía tường ngoài, cùng kiểu mái ngói móc “chồng diêm” quen thuộc, để mau chóng bay đi khói bụi trong nhà. Phải là ngày thường, vì ngày lễ nơi đây chính là nơi đông vui và hoạt động náo nhiệt của hàng bốn, năm trăm người làm công quả; cộng với các mái che nhà rạp dựng lên che mưa nắng chung quanh sẽ làm hạn chế tầm nhìn.
![]() |
Ngôi bếp được bố trí chủ yếu là các lò nấu chảo, mỗi chảo có đường kính vừa một mét. Có 20 lò như thế với 14 chảo nấu cơm và 6 chảo nấu đồ ăn. Mỗi chảo có thể nấu 40kg gạo. Theo kinh nghiệm lâu năm của anh Phạm Tuấn Kiệt, người có thâm niên 37 năm chuyên nấu cơm thì dỡ một lượt 14 chảo là đủ cơm ăn cho 4.000 người.
Trai đường thuộc Lương viện, một trong 9 viện theo truyền thống của đạo Cao Đài chuyên phụ trách về lương thực, thực phẩm. Vì thế, bên cạnh bếp của Trai đường còn có một dãy nhà dài cho chức sắc chức việc các văn phòng Lương viện, Ẩm thực… có nơi làm việc. Gắn với khối nhà đã mô tả ở trên, sau dãy nhà này còn có một khu vệ sinh rộng rãi phục vụ du khách. Khu này gồm có 55 phòng tắm và 40 phòng cầu, cũng chia thành dãy riêng biệt cho nam, nữ, ở giữa sân là hồ nước lớn chứa được khoảng 20m3. Thú vị nhất là trước hồ nước này có một trụ bố trí bốn mặt gương, có giá để lược hẳn hoi cho khách chỉnh đốn “dung nhan”. Ai có buồn lòng một chút về việc đợi chờ lúc quá đông du khách hẳn cũng sẽ bật cười mà hết buồn khi đọc những bài thơ dán dưới tấm gương. Một trong các bài đó nguyên văn như sau: “Chải đầu cho đẹp ai ơi!/ Kiếng to có sẵn xin mời tự nhiên/ Chải xong cảm thấy đẹp liền/ Nhẹ nhàng thơ thới có duyên vô cùng”. Hỏi ra, mới biết đấy là tác phẩm của “thi sĩ” có thâm niên 37 năm nấu cơm chảo Trai đường - chính là anh Phạm Tuấn Kiệt. Ngoài việc nấu cơm, anh Kiệt còn phụ trách cả khu vệ sinh to rộng này đây! Mùa lễ hội, anh còn phụ trách thêm việc phân phát cho mượn chậu, xà bông, chiếu đệm miễn phí cho du khách ở qua đêm. Vào những ngày thường, anh Kiệt trở thành hoạ sĩ chuyên vẽ tranh thờ cho các bà, các cô biết tài đến nhờ vả.
Không gian làm việc chính của anh Kiệt - bếp và Trai đường, nhất là khu bếp lúc nào cũng ngun ngút hàng chục lò rực lửa. Vậy mà ở đây không hề có một cái quạt nào. Hỏi thì anh và các vị chức sắc ở văn phòng Lương viện đều bảo: - Quạt thì có thể sắm được nhưng tiền điện thì biết lấy vào đâu. Và cứ thế suốt vài chục năm qua, những người thợ công quả Cao Đài ở Trai đường chủ yếu vẫn trông cậy vào cơn gió trời để làm khô những giọt mồ hôi.
TRẦN VŨ