Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Họ đã có nhiều chọn lựa nhưng cuối cùng đã chọn cho mình con đường thích hợp nhất, có thể là không trải toàn hoa hồng như có bạn từng mơ. Nhưng cũng không thể là gai nhọn. Họ tự tin đi vào cuộc sống giữa quê hương vốn dĩ đã mộc mạc, hồn nhiên và thân thiện.
Lúa Đông Xuân đã sắp sửa vàng đồng. Nhiều thửa đã chín rộ màu vàng no ấm. Trong khi nhiều thửa mới trổ đòng. Đường ra cầu Gò Chai có đoạn đã luễnh loãng mùi thơm của lúa. Chợt nhớ đến S, cậu trai năm ngoái đã chở tôi bằng chiếc xuồng con, băng ngang sông Vàm Cỏ Đông qua bên cánh đồng Long Vĩnh chụp ảnh bà con thu hoạch lúa. Cậu quê ở ngay một bến sông ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành.
“Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” có khác! Một mình một xuồng có gắn máy koler, cứ quậy lên quậy xuống cái chân vịt giữa díu dít lục bình để tạo ra một cái mương nho nhỏ. Thế rồi mũi xuồng lách tới, băng qua… Khen cậu thành thạo quá! Cậu bảo nhằm nhò gì, ở đây đứa nào cũng như thế cả. Cùng lớn lên trèo cây đa ở góc sân đình. Lại cùng mỗi ngày xuống sông bơi và tắm. Rồi cũng phụ mẹ cha đi xuồng ra sông hái đọt lục bình về nấu cá, canh chua…
Cứ tuần tự như thế mà đã lớn lên thành chàng trai miền sông nước tự bao giờ không biết! Tôi cứ hình dung cậu hồi bé qua hình ảnh thằng K, con anh T bây giờ. K mới mười hai tuổi, đang học lớp sáu đã biết lái chiếc xe tự tạo chở lúa của cha, xuống con phà nhỏ chuẩn bị qua sông. Xong việc lại nhảy ùm xuống tắm cùng lũ bạn. Chúng bơi thoi loi như những con cá trắm làm tung toé nước sông trên biêng biếc lục bình.
Bên kia, S có đàn vịt nuôi đang chờ cho ăn. Đàn vịt bầu trắng muốt chân vàng, thấy xuồng tới là chạy le te ra đón. Giữa đám lưới vây giữ vịt có một khoảng đất phẳng. S trải đệm ra rồi đổ lên cho vịt từng đống bắp vàng. Vừa làm vừa trò chuyện, S bảo: phụ đỡ ông già thôi! Còn việc chính của cậu là đi làm tiếp viên ở một nhà hàng trên thành phố.
Vậy mà tôi đã không có dịp đến nhà hàng này thăm cậu như lời hứa. Để đến đầu tháng ba vừa rồi gặp lại, cảm thấy hơi bị tẽn tò. Chẳng sao! Cậu bảo: đằng nào thì cháu cũng về nuôi vịt lại rồi. Nhà hàng ế quá, lương tiếp viên cũng chẳng là bao. Lại thêm gò bó chân tay. Không có khách cũng phải đứng ngồi suốt ngày đợi khách.
Về là phải quá! Tôi cũng phụ hoạ theo. Về với mênh mông bến nước sông Vàm. Về với thênh thang nắng gió, những cánh đồng bao la thảm lúa, mùa xanh mơ, mùa lại rực vàng. Giờ S đã có một bầy vịt riêng, hơn ngàn rưỡi con. Tha hồ cho những dự tính của công cuộc mưu sinh, mà ngày nay người ta thường gọi là khởi nghiệp. Hẹn cậu sang tháng tư nhé, lại cho tôi “quá giang” sang xem lúa chín. Và nếu có thể thì… học nghề chăn vịt.
Chuyện cô gái là thế này. Tôi gặp cô cũng vào năm ngoái, chợ hoa xuân. Rõ là “con nhà tiểu thư khuê các”. Váy áo bồng bềnh, lại dắt theo một con chó to. Người rõ mảnh mai mà chó lại to xù. Giống chó Tây hẳn hoi nhé! Lông hai màu nâu trắng, mắt xanh lơ…
Ấy thế mà khi trò chuyện bâng quơ vài câu mới biết. Cô cũng là học sinh trường trung học y tế tỉnh nhà. Cô khoe, dạo đón bằng di tích trên Căn cứ Trung ương Cục, cả lớp cũng được lên tham dự. Từ đấy mà khi học xong, cô dự thi tuyển vào ngành với nguyện vọng được về Tân Biên làm việc. Hội hoa xuân năm nay, tình cờ gặp lại cô gái và con chó to xù. Cô giờ đẹp hơn và cũng bớt nhí nhảnh hơn. Đã có “vệ sĩ” đi theo. Một chàng đẹp trai cao lớn đàng hoàng. Dĩ nhiên vẫn dắt con chó kia, mắt xanh lơ, lông hai màu nâu trắng. Thì ra cô đã trở thành điều dưỡng viên của Bệnh viện huyện Tân Biên. Đúng như là mong ước. Tôi hỏi, làm việc có vui không? Cô bảo là vui lắm. Được phục vụ cho cô bác các xã vùng sâu xa, một vùng quê kháng chiến năm xưa. Đất, rừng rẫy thênh thang và con người chân thành, mộc mạc. Thì có xa xôi gì đâu. Chủ nhật lại về phố xá với gia đình cùng bè bạn.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều bạn trẻ Tây Ninh ngẫu nhiên tôi gặp trên đường. Hồn nhiên và thật đáng tin, thưa các bạn. Họ đã có nhiều chọn lựa nhưng cuối cùng đã chọn cho mình con đường thích hợp nhất, có thể là không trải toàn hoa hồng như có bạn từng mơ. Nhưng cũng không thể là gai nhọn. Họ tự tin đi vào cuộc sống giữa quê hương vốn dĩ đã mộc mạc, hồn nhiên và thân thiện. Và cứ thế ngẩng cao đầu, hãnh diện giữa quê hương.
Tháng 3.2017
NGUYỄN