BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trái mùa thu

Cập nhật ngày: 02/10/2020 - 07:46

BTN - Trước đây, tôi chưa từng có ý định đi kiểm đếm các loài trái cây có ở các mùa. Vậy mà mùa thu này tôi lại nảy ra ý nghĩ ấy. Và rằng, liệu mùa thu có phải là mùa có nhiều trái cây nhất trong năm?

Chỉ cần ra tới chợ phường 3, tôi đã thấy các quầy, sạp trái cây nhìn hoa cả mắt, bởi muôn sắc màu xanh tươi, vàng rực hay đỏ chót đã có thể làm mê mụ ta rồi. Mà cũng không thể đếm. Là bởi chỉ cần dừng lại nửa phút thôi đã râm ran những tiếng chào mời.

Đây nhãn xuồng nức tiếng của xứ nhãn Trường Đông vừa mang tới. Kia ổi lòng đào Phước Ninh, Chà Là cũng vừa mới hái. Sầu riêng Trường Hoà lặng lẽ giới thiệu bằng mùi thơm nức nở của riêng mình, có cả những trái vừa mở ra, phô những múi dày dặn thơm tho màu vàng sữa.

Rồi còn mận, còn cam đủ màu đủ cỡ. Cam có cam vàng, cam xanh to cỡ nắm tay người. Chuối cũng vô số loại từ chuối già, chuối sứ cho tới các bẹ chuối nàng tiên xinh xinh như một bàn tay thiếu nữ. Dừa và đu đủ. Bưởi da xanh với chôm chôm… Lại còn những táo xanh, quýt hồng, sơ ri lấp lánh hai màu xanh đỏ. Đấy là còn chưa kể những loại trái cây ngoại nhập cũng phô trương tươi rói sắc màu…

 Với tôi chỉ có trái lựu là hơi lạ. Cũng lớn bằng nắm tay con trẻ, da bóng lưỡng nhưng vân vì tới mấy sắc màu. Từ hồng, vàng cho đến phơn phớt xanh hoà trộn vào nhau. Lựu rộ trái vào giữa thu thì quá đúng rồi.

Bởi cụ Nguyễn Du đã viết trong Kiều: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông”. Cũng tháng 8 mùa thu này có kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Du. Vậy là đã 200 năm. Chợt nhớ cụ còn có đôi câu thơ tự thán: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Tôi nhìn trái lựu và nghĩ rằng có lẽ là muôn thuở, bởi thơ của cụ cứ nhuần nhị như thiên nhiên cây cỏ, tự nhiên cứ thấm vào tâm hồn người Việt, kể cả những người không biết chữ cũng có thể ngân nga một vài câu Kiều.

Rằm tháng Tám bao giờ tôi cũng vào Toà thánh xem người ta chưng bày triển lãm đại lễ Hội yến Diêu Trì cung. Một nơi không thể bỏ qua là bếp nấu. Vâng, trước lễ, có thể nói vui nhất chính là Trai đường (tên chữ của nơi nấu cơm canh phục vụ miễn phí khách hành hương).

Năm nay dù kém đông vui hơn do dịch Covid-19, nhưng chưa tới bếp đã ngửi được mùi thơm lừng thức ăn. Gian bếp chứa các loại rau củ quả cũng đã chất đầy lên từng đống. Toàn những loại rau củ quả tươi ngon như mới hái về. Kèo nèo cứ gọi là xanh như ngọc bích.

Kề bên là đống hoa súng tím hồng mơn mởn với những cuống dài được cuộn lại. Trái quả cũng nhiều thứ, như đu đủ, su su, khóm (dứa), dưa gang… Tôi vào tìm hiểu xem Trai đường đang nấu món gì mà thơm thế! Thì ra trong hai cái chảo lớn đang sôi sùng sục với hai cây xẻng trong tay hai bạn thanh niên đảo đều liên tục là món mắm chay.

Nguyên liệu chính là trái khóm, từng miếng vàng ươm nấu đã nhuyễn nhừ. Hỏi, các bạn bảo để xong món này cũng mất chừng 4 giờ. Tôi đã từng ăn và hâm mộ món mắm chưng này với bún. Vậy mà tới giờ mới biết đấy là từ trái thơm trồng trên những vùng còn chua mặn đất Tây Ninh.

Các loại trái mùa thu đã kể thì bản thân tôi và mọi người chắc ai cũng biết. Nhưng thu này tôi còn gặp một loại “trái thu” mà trước đó chưa từng thấy. Cách đây khoảng 2 tuần, tôi lên vùng ngã ba Vàm Trảng Trâu thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Dừng lại trước điểm “Chốt chặn phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 số 2”, một chiến sĩ biên phòng cũng vừa trờ xe máy tới. Hỏi thì anh bảo vừa mới đi tuần tra một vệt bờ sông biên giới. Chiến lợi phẩm anh đem về là 3 trái cây còn xanh cầm ở trên tay.- Trái gì đây anh?- Là trái bứa sông.

Tôi tò mò ngắm kỹ. Trái bứa sông trông gần giống trái đu đủ xanh còn bé. Ba trái đủ nằm trong lòng bàn tay người chiến sĩ. Tôi chợt nhớ đến thời ở rừng của tôi, gặp được trái bứa rừng là lại thấy đời tươi hơn dù trong gian khó kiệt cùng.

Chỉ cần ra suối câu hoặc lưới dăm ba con cá nhỏ là đã có món canh chua ngon tấm tắc. Có lẽ, cũng giống chúng tôi hồi xưa, trưa nay những chiến sĩ canh giữ chốt sẽ có thêm một nồi canh chua từ trái bứa sông. Một loại trái mùa thu của dòng sông ở phía thượng nguồn.

NGUYỄN