Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần 1 năm qua, trại nấm của anh đã cho ra sản phẩm nấm mối đạt chất lượng, tạo thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình
Thu hoạch nấm
Có niềm đam mê với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, anh Nguyễn Tấn Phát (SN 1993), ngụ xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành tìm tòi, nghiên cứu cách trồng nấm mối đen.
Khởi nghiệp bằng niềm đam mê
Cuối năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Phát từ TP. Hồ Chí Minh trở về Tây Ninh và làm việc tại nhà. Đây cũng là khoảng thời gian anh quay trở lại với niềm đam mê trồng trọt. Sau giờ làm việc, anh thường tìm hiểu về các loại cây trồng mới lạ.
Trong một lần tình cờ lướt mạng xã hội, anh bị thu hút bởi bài chia sẻ về hiệu quả kinh tế của nấm mối đen nên bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu cách xây dựng trại nấm, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch... Đầu năm 2023, anh Phát mạnh dạn đầu tư xây dựng một trại nấm mối đen nhỏ trồng thử nghiệm với diện tích 35m2, gồm hệ thống chiếu sáng, phun ẩm, máy hút côn trùng...
Qua tìm hiểu, anh Phát quyết định đến một trại nấm ở tỉnh Tiền Giang mua phôi nấm và học cách trồng. Trong đợt trồng đầu tiên, anh đầu tư hơn 300 phôi nấm, trị giá gần 50 triệu đồng. Phôi sau khi nhập về sẽ được ủ meo nấm mối đen để cho ra nấm. Theo anh Phát, trên thị trường có 2 loại meo nấm mối đen là meo Thái Lan và meo Trung Quốc. Qua thử nghiệm, anh nhận thấy meo Thái Lan cho chất lượng cây nấm cao hơn, màu sắc nấm đen và bóng hơn. Vì vậy, anh đã chọn meo Thái Lan để trồng.
Trong quá trình trồng nấm, anh gặp không ít khó khăn khi phôi nấm bị nhiễm khuẩn mốc xanh, mốc cam... làm năng suất nấm giảm rõ rệt. Tự tìm hiểu cách chữa trị và bằng quá trình thực tế, anh Phát đúc kết được kinh nghiệm trồng nấm mối đen. Anh Phát chia sẻ, để cho ra nấm đạt chất lượng đòi hỏi môi trường trồng phải có đủ độ ẩm, nhiệt độ luôn ở mức 26-27 độ. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra phôi, kịp thời xử lý phôi bị nhiễm bệnh, tránh lây lan cho cả trại.
Sau khi thu hoạch, phôi cần được tưới thêm nước giữ ẩm và tạo môi trường để nấm tiếp tục phát triển. Anh Phát cho biết, sau khi phôi ngả sang màu nâu là đã hết hạn cho nấm. Các bệ phôi được xử lý bằng cách bán cho nhà vườn làm phân bón cho cây.
Anh Phát phun ẩm cho phôi nấm sau khi thu hoạch
Dưới sự chăm sóc kỹ càng của anh Phát, trong tháng đầu tiên, mỗi ngày, anh thu hoạch từ 10-12kg nấm; các tháng sau, trại nấm cho từ 5-6kg/ngày. Anh Phát đăng sản phẩm lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời hỏi mua, đăng ký làm đầu ra cho trại nấm. Hiện tại, trại nấm của anh cung cấp mỗi ngày 5-10kg cho thương lái ở chợ đầu mối Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; còn lại, anh bán lẻ cho người dân địa phương. Với giá từ 200.000-300.000 đồng/kg, sau khi thu hoạch, anh Phát có được nguồn thu mỗi tháng hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, trại nấm mối đen của anh Phát cũng tạo việc làm cho 2 lao động địa phương.
Những cây nấm mối đen căng tròn, bóng mượt trong trại nấm của anh Phát
“Thành quả này khiến tôi cảm thấy phấn khởi và có thêm động lực để mở rộng, phát triển trại nấm, hướng đến nhiều mô hình kinh tế khác”- anh Phát chia sẻ.
Thực hiện ước mơ
Theo anh Phát, nấm mối đen là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ chế biến. Trong nấm có các khoáng chất như canxi, sắt, protein... rất tốt cho người bệnh và giúp người khoẻ mạnh bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa bệnh. Đây là sản phẩm dễ tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng mô hình.
Thấy được tiềm năng kinh tế của nấm mối đen, anh Phát bắt tay vào việc thực hiện ước mơ anh ấp ủ bấy lâu, đó là xây dựng trại nấm với nhiều loại nấm khác nhau, tạo nên một cơ sở sản xuất nấm với đa dạng sản phẩm của địa phương.
Để thực hiện ước mơ lớn, anh Phát bắt đầu bằng cách làm giàu cho mình về kiến thức. Anh tìm đến các trại nấm lớn học tập kinh nghiệm làm phôi, làm meo, cách trồng các loại nấm. Anh Phát cho biết, mỗi loại nấm có các đặc điểm, cách trồng khác nhau.
Sự chuẩn bị kỹ càng về mặt kiến thức giúp anh hạn chế rất nhiều rủi ro khi trồng thử nghiệm nấm mối đen. Vì vậy, trong dự án lớn lần này, anh phải tập trung hơn nữa từ khâu chuẩn bị để trại nấm mới sẽ đi vào hoạt động thuận lợi sau khi hoàn thành.
Vừa qua, anh Phát được Tỉnh đoàn xét vay vốn Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với nguồn hỗ trợ hơn 110 triệu đồng. Đây là một trong những lời động viên tinh thần của Tỉnh đoàn dành cho các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp tại địa phương. Với nguồn vốn đó, anh Phát lên kế hoạch xây dựng trại nấm mới có diện tích rộng hơn, đầu tư trang thiết bị đầy đủ hơn, tạo nên thương hiệu nấm đặc trưng cho quê nhà.
“Có thể tìm lại niềm đam mê trồng trọt là điều hạnh phúc đối với tôi. Sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Tỉnh đoàn cũng như gia đình là một động lực rất lớn đối với một người trẻ khởi nghiệp như tôi. Chặng đường sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần tuổi trẻ, tôi tin mình sẽ làm được”- anh Phát chia sẻ.
Ngọc Bích