Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trải nghiệm nơi “Đệ nhất danh trà”

Cập nhật ngày: 29/11/2014 - 12:00

Nhiều du khách nước ngoài đến vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để trải nghiệm cuộc sống với nông dân.

Nhiều du khách nước ngoài đến vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để trải nghiệm cuộc sống với nông dân.

Cách trung tâm T.P Thái Nguyên 10km, xã Tân Cương, vùng đất được mệnh danh “Đệ nhất danh trà” đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Mỗi năm, vùng đất này đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm cùng nông dân về cách trồng, thu hái và chế biến chè. Nhiều du khách về đây đã phát biểu cảm tưởng: Nông dân Tân Cương không hổ danh là “Đệ nhất danh trà”. Thứ ẩm thực họ làm từ ngọn, lá là cả một nghệ thuật, một khoa học được đúc kết lại từ ngàn đời.

Một doanh nhân làm du lịch ở Thái Nguyên đã nói ví von với tôi: Tân Cương giống như một sơn nữ xinh đẹp ngủ quên trong rừng mới được đánh thức dậy. Tuy chưa hết ngái ngủ, nhưng lại mang vẻ đẹp hồn nhiên hoang sơ của miền sơn dã, giống như người con gái trong câu chuyện tình huyền thoại nàng Công, chàng Cốc…

Là nói hình tượng như thế, nhưng Tân Cương không chỉ là “Đệ nhất danh trà”, mà còn là vùng đất sơn - thủy hữu tình, phù hợp cho những “tao nhân mặc khách”, túi thơ, bầu rượu chu du thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, ngắm núi Guộc, sông Công và du thuyền hồ Núi Cốc.

Nhưng hấp dẫn, ấn tượng hơn đối với du khách là được đi trên những nương chè tròn trịa hình bát úp, ngắm nhìn từng nét cắt phân định các lô chè, hàng chè rồi bất chợt nhận ra ở đây, một sức sống mãnh liệt của loài cây quý được người nông dân tần tảo trồng, bón, thu hái về sao sấy thành món ẩm thực xưa kia chỉ dành cho người quyền quý hoặc bậc vua, chúa thưởng thức.

Vùng đất Hồng Thái 2 được các chuyên gia ngành chè Việt Nam đánh giá là địa chỉ cho ra sản phẩm trà ngon nhất của “Thủ phủ” chè Tân Cương. Người dân ở đây chỉ cần hà hít vào vốc chè là biết phẩm cấp của từng loại sản phẩm, giá bán được bao nhiêu tiền 1 cân. Nhiều nhà chè làm ra phục vụ từ người tiêu dùng bình dân, hơn 100.000 đồng/kg; đến cả người thu nhập cao, đặt làm riêng loại chè hái độc phần nõn búp, với giá hơn 5 triệu đồng/kg.

Thế mới hay: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Kể từ thuở cổ nhân dùng bếp củi, đun nước mưa để pha trà, cho đến thời hiện đại dùng bếp điện, đun nước máy để pha trà đãi đằng khách, chẳng bảo nhau, nhưng người thưởng trà thường khi đưa chén nước sóng sánh xanh, trên miệng chén còn phủ làn khói mỏng tang, mang hương nồng ngậy thơm của đất, trời, thoảng khẽ một kích thích vào tì vị thì ai nấy thảng thốt, đọc câu: “Bình minh sổ trản trà/Nhất nhật cứ như thử/Lương y bất đáo gia”. Cái cảm giác thưởng trà nó khoan khoái, dễ chịu, ngỡ mình là bậc “chính nhân quân tử”, quên hết những ái, ố, hỷ, nộ của đời, đàm đạo chuyện người xưa, ngẫm chuyện thời nay.

Trở lại với câu chuyện nông dân Tân Cương làm du lịch, anh Bùi Trọng Đại, một chủ hộ tham gia làm du lịch cộng đồng ở vùng chè Tân Cương cho biết: Gia đình tôi đã đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách khi đến tham quan, nhất là người nước ngoài, họ xin được sống hòa nhập với gia đình, như việc được đeo sọt lên đồi hái chè, được ngồi bên bếp lò xao chè và tự đóng gói sản phẩm.

Ông Jhon Henson, du khách người Đức đã rất thú vị khi được đi hái chè. Song ông thấy bối rối vì phát hiện ở ngón tay có màu đen. Ông Jhon Henson đã ấp úng hỏi: Nó có làm ảnh hưởng tới sức khỏe không? Tôi giải thích: Đó là nhựa chè, một loại chất ta nanh khi uống trà thấy dìu dịu đắng rồi thấy ngọt hậu… Ông Jhon Henson và mấy người bạn Đức cùng xòe tay nhìn cái vết đen, cười xòa vui vẻ.

Ông Phạm Hồng Phong, Trưởng xóm Hồng Thái 2 cho biết thêm: Không chỉ du khách người nước ngoài mới đi hái chè để trải nghiệm, mà cả người Việt Nam, chủ yếu sinh sống ở thành phố và các tỉnh đồng bằng, họ rất thích được trải nghiệm cùng nông dân vùng chè.

Ở xóm, hiện có gần 170 hộ, thì có hơn 10 hộ đăng ký làm du lịch trải nghiệm, trong đó có các hộ: Bùi Trọng Đại, Lê Quang Nghìn, Trần Văn Thái và Lê Văn Toán đăng ký cho khách nghỉ lưu trú... Ông Bùi Trọng Tiến, một nông dân làm chè giỏi của xóm Hồng Thái 2 cho biết: Tham gia làm du lịch, nông dân chúng tôi được cán bộ cơ quan chức năng về hướng dẫn cho kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật nấu ăn, pha trà và học thêm ngoại ngữ.

Ví dụ: Hello là xin chào; Goodbye là tạm biệt… Anh Đại cho biết thêm: Nhiều du khách các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha… đến đây, họ rất thích được người dân bản địa dạy nói bằng tiếng Việt; thích đi hái chè, lội xuống ao bắt cá, lên đồi đuổi gà… rồi cùng vào bếp nấu ăn.

Về tiền dịch vụ bãi hái chè: Mùa Hè thu 500.000 đồng, mùa Đông thu 1 triệu đồng; tiền ăn thu 200.000 đồng/người/bữa. Số tiền thu về thực ra chưa tương xứng với công sức bỏ ra, song bà con đều phấn khởi vì được đón tiếp khách đến thăm nhà.

Nguồn Báo Thái Nguyên