Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trái ô môi không nên ăn liền khi hái xuống mà đem về bỏ dưới nền nhà, càng lâu càng ngon, có thể để đến giáp năm. Bấy giờ trong ruột ô môi tràn ra một loại nhựa thanh ngọt thuần khiết, toả mùi thơm đặc biệt, ngào ngạt khắp nhà.
Tình cờ lúc lục khe cửa tìm món đồ cần thiết thì rơi ra một thanh gì đen đen, cứng còng, khô cong, tôi cầm lên, ngỡ ngàng nhận ra trái ô môi mà má tôi đem về nhân dịp đi chùa vào khoảng tháng tư mùa hạ. Cũng hơn nửa năm rồi mà trái ô môi vẫn không có gì thay đổi, chỉ có điều ngoài vỏ đóng một lớp bụi dày mốc meo.
Mùa đông đã về kéo theo chút gió hiu hiu lạnh, dễ khiến người ta chùng lòng nhớ những tháng năm xa. Vào những ngày này, cây ô môi nơi đầu xóm nhỏ đã bắt đầu rụng lá trổ bông, những bông hoa màu hồng như hoa đào làm rộn ràng lòng tuổi thơ mơ Tết. Cây ô môi không biết ai trồng nhưng khi tôi lớn lên đã thấy nó nơi đầu xóm, lặng lẽ trổ hoa vào mùa đông rồi đơm trái khi xuân về và sang những ngày đầu mùa hạ thì trái chín.
Trái ô môi không nên ăn liền khi hái xuống mà đem về bỏ dưới nền nhà, càng lâu càng ngon, có thể để đến giáp năm. Bấy giờ trong ruột ô môi tràn ra một loại nhựa thanh ngọt thuần khiết, toả mùi thơm đặc biệt, ngào ngạt khắp nhà. Lúc còn bé dại, tôi cho rằng nó có mùi thối, nói ra điều này liền bị người lớn cười một chặp rồi xoa đầu bảo: “Bé ngốc ơi, đó là mùi đặc trưng của ô môi mà không một loại trái nào có được”.
Trái ô môi giống như thanh củi, những đứa trẻ con chúng tôi ngày ấy bẻ trái làm “kiếm” đấu với nhau một trận nên thân, bên nào thắng sẽ được “ăn kiếm” của bên thua. Khi ăn phải dùng dao rọc hết phần vỏ cứng chừa lại hai bên gân rồi vặn cho nó xệu xạo đến khi bẻ được ra phần lõi đen đen thì bỏ vào mồm nhai cho mật tứa ra, nhả hạt. Lũ nhóc bọn tôi ăn xong thì nhe răng ra cười, mồm miệng đứa nào cũng đen đúa lem luốc, thật hồn nhiên và vô lo.
Những mùa đông trôi qua với màu hoa ô môi rực rỡ dần dần tan biến khi người ta nhận thấy cây ô môi không đem lại lợi ích kinh tế nên đã chặt đi hồi nào không rõ. Chỉ giật mình nhớ lại khi bắt gặp trái ô môi cong queo thuở nào nằm trong kẹt cửa, chợt nhận ra ta đã đánh mất một phần lộng lẫy màu hoa hồng đào tươi thắm đơm đầy trong ký ức tuổi thơ. Mùa ô môi nữa lại về ở miền quê xa nào đó khi những trái ô môi chín được hái xuống và đem tặng nhau làm thuốc quý cho đời.
Nguyễn Hồng Vân