Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trái quý của thung lũng 'đào nguyên'

Cập nhật ngày: 14/05/2011 - 10:32

Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi thượng nguồn dòng nước Vu Gia, nép mình khiêm nhường dưới chân núi đá thiêng BôiChưphiêng cao ngất có một buôn làng Cơ Tu nằm giữa thung lũng đá vôi.

Người dân bản địa gọi là thung lũng "đào nguyên" của xứ Cà Dâng (Đông Giang, Quảng Nam).

Xứ này nổi tiếng bởi cảnh vật hữu tình, thanh bình, con người "chân chỉ hạt bột", và có sản vật được mệnh danh là "đệ nhất trái quý của trời Nam"- trái loòng boong.

Trái loòng boong ở thung lũng đào nguyên

"Khi ta cất tiếng khóc chào đời đã có những vườn loòng boong um tùm bao bọc quanh buôn. Ông nội ta là người đã dạy cho lũ làng cách trèo cây hái trái. Thời ta còn trẻ có thể sống hàng tuần trên cây loòng boong mà không cần mang theo nước và lương thực.

Người Cơ Tu biết ơn trái loòng boong vì nó có thể ăn thay cơm, có thể bán lấy tiền để làm nhà, mua ti vi, xe máy, để trẻ con đi học..."- trong căn nhà Gươl nằm giữa khu vườn với hàng ngàn gốc loòng boong cổ thụ, già làng Chà Díu tự hào kể.

Chuyện kể rằng thuở buôn này mới lập, có chàng trai nghèo Cơ Tu đi lấy vợ không mang đủ sính lễ nên bị gia đình vợ bắt ra rẫy ngoài rừng trông chim ăn lúa suốt ba mùa rẫy để trả nợ và không cho mang theo cơm nước. Kỳ lạ thay, ba mùa rẫy qua, không có lương thực mà chàng trai vẫn hồng hào cường tráng trở về. Lũ làng xúm vào hỏi han mới biết chàng đã tìm được một loại trái cây ăn thay lương thực. Hỏi trái ấy tên gì, chàng trai nói đại là "loòng boong" và tên trái có từ ngày đó.

Loòng boong cây cao rợp lá, trái mọc thành từng chùm đơn, chùm kép từ thân và cành. Trái loòng boong to như trái nhãn lồng, vỏ màu vàng, ruột có năm múi màu trắng, mỗi múi có một, hai hạt, mọng nước, có vị ngọt, thanh, tính mát và rất ngọt nếu mọc ở vùng núi đá vôi...

Nghe kể chuyện xưa chẳng rõ thực hư, chỉ biết rằng giờ đây trong thung lũng "đào nguyên", những khu vườn loòng boong mỗi ngày mỗi rộng dù không một người Cơ Tu nào phải đào đất tra hạt hay chiết cành nhân giống. Già Chà Díu bảo, đó là nhờ loài sóc rừng ăn trái, thải phân rồi nhân giống khắp nơi, bà con chỉ phải phân chia khu vực chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch.

Trái loòng boong giờ đây đã vượt thung lũng ra đồng bằng, ra thành phố... để đem về cuộc sống ấm no, sung túc cho buôn làng.

Rời thung lũng đào nguyên khi trời ngả chiều, lời dặn của già Chà Díu cứ ám ảnh chúng tôi: "Mùa loòng boong chín tụi bay nhớ về chơi nhé! Tục của buôn là khách có thể ăn no say trái trong vườn, nếu muốn mang trái đi thì phải mua! Cho mang quả đi là xui đấy! Thần rừng sẽ nổi giận, năm tiếp sẽ mất mùa!".

K.D (st)