Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 19.7, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ bế mạc Trại sáng tác Mỹ thuật năm 2018 chuyên đề về Tranh sơn mài truyền thống.
Bà Đặng Thị Phượng- Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh giới thiệu tranh sơn mài của học viên cho ông Nguyễn Văn Trung- Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ.
Trại sáng tác Mỹ thuật khai mạc vào ngày 15.7, gồm có 20 hội viên Chi hội Mỹ thuật tham gia.
Tham dự Trại sáng tác, các hội viên được trau dồi kiến thức, kỹ năng sáng tác trên nền chất liệu sơn mài truyền thống. Sau 5 ngày tích cực học tập, mỗi hội viên làm bài thu hoạch với hình thức sáng tác 1 tác phẩm tranh sơn mài tại lớp. Tại buổi lễ bế mạc, 20 tác phẩm đã được trưng bày, triển lãm ngay tại văn phòng Hội VHNT tỉnh.
Bà Đặng Thị Phượng- Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT tỉnh nhận định, trại sáng tác đã thật sự thành công khi mang đến cho trại sinh cơ hội học tập và tiếp nhận thêm kiến thức về nghệ thuật tranh sơn mài – một chất liệu không mới của giới họa sĩ nói chung nhưng còn khá mới với những người tham gia trại sáng tác này.
Phát biểu tại buổi lễ bế mạc, với tư cách là người trực tiếp hướng dẫn, họa sĩ Lê Xuân Chiểu- Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam vui mừng, phấn khởi vì lớp học đã đạt được hiệu quả hơn mong đợi của giáo viên và Hội VHNT tỉnh.
Ông hy vọng, kết thúc trại sáng tác, các học viên sẽ tiếp tục tìm tòi, trau dồi thêm kỹ thuật sáng tác tranh sơn mài để cho ra đời nhiều tác phẩm đẹp, chất lượng, hoàn hảo hơn.
Các học viên và giáo viên Trại sáng tác Mỹ thuật Tây Ninh năm 2018.
Các tác phẩm thu hoạch của học viên đều tập trung vào đề tài phong cảnh quê hương, những sinh hoạt ngày thường của con người, ngành nghề truyền thống, ca ngợi phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp sạch, tình quân dân...
Tại buổi lễ bế mạc, ban tổ chức Trại sáng tác Mỹ thuật năm 2018 đã khen thưởng cho 5 học viên tiêu biểu, tích cực và có tác phẩm nổi bật trong Trại sáng tác lần này, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Thư (tác phẩm Chiều quê), Kà Tha Lâu (tác phẩm Chiều biên giới), Trần Lê Mộng Tuyền (tác phẩm Xóm núi Ma Thiên Lãnh), Ngô Hoàng Tuấn (tác phẩm Thiếu nữ và Sen), Nguyễn Tấn Bình (tác phẩm Nắng ngang sườn núi).
Lê Thuỳ