Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong đợt tiếp xúc đại biểu HĐND vừa qua, một số cử tri ở xã Tiên Thuận và thị trấn Bến Cầu (huyện Bến Cầu) phản ánh, mặc dù đồng ruộng sát kênh thủy lợi của trạm bơm Bến Đình nhưng vẫn không thể lấy nước tưới. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa khắc phục.
Để tìm hiểu thực hư vấn đề này, ngày 24.6, chúng tôi đi thực tế ở khu vực trạm bơm Bến Đình. Ông Nguyễn Văn Thấu, ngụ khu phố 4, thị trấn Bến Cầu hướng dẫn chúng tôi ra cánh đồng mà gia đình ông và nhiều nông dân khác đang canh tác.
Gia đình lão nông này có 2 hecta đất ruộng đang trồng khoai mì và một phần đất khác trồng lúa. Những phần đất này cách kênh thủy lợi khoảng vài chục mét, nhưng ông phải thuê nhân công khoan 3 cái giếng để bơm lấy nước tưới ruộng.
Dưới lòng kênh còn một ít nước mưa đọng lại chứ không có nước từ trạm bơm Bến Đình chảy qua.
Ông Thấu cho hay, 2 năm trở về trước, mỗi vụ ông cũng lấy nước từ kênh vào ruộng được một hai lần. Những năm trở lại đây nước kênh sa sút, không đủ nước để lấy vào ruộng nên gia đình ông và nhiều nông dân khác phải khoan giếng, kéo điện bơm nước giếng lên để cứu lúa. “Cách làm này khiến chi phí sản suất phải tăng lên khoảng 3 triệu đồng mỗi vụ lúa”, ông Thấu cho hay.
Không chỉ riêng gia đình ông Thấu phải tăng chi phí sản xuất, quan sát tại cánh đồng, chúng tôi thấy một số nông dân khác có ruộng ở gần tuyến kênh cũng phải đặt mô tơ bơm nước giếng lên để phục vụ cho vụ lúa Hè thu. Giữa những cánh đồng lúa đang kỳ sinh trưởng này là một tuyến kênh nhỏ đã được đầu tư xây dựng bê tông hóa kiên cố.
Dưới kênh có một ít nước mưa đọng lại chứ không có nước từ trạm bơm Bến Đình chảy qua. Một số nông dân chỉ ra điều bất hợp lý ở đây là dòng kênh này được thiết kế cao hơn mặt ruộng không nhiều, vì vậy khi nào nước kênh đầy ắp, người dân mới có thể tháo nước vào ruộng được. Trường hợp nước chỉ hơn nửa kênh thì “bó tay”, không thể lấy nước tưới lúa.
Nông dân có ruộng ở gần tuyến kênh nhưng phải đặt mô tơ bơm nước giếng lên để phục vụ cho vụ lúa hè thu.
Ông Phan Hoàng Kha-Chủ tịch UB.MTTQ thị trấn Bến Cầu cho biết thêm, con kênh thủy lợi lấy nước từ trạm bơm Bến Đình dài khoảng 8km, nhưng chỉ cung cấp nước đầy đủ cho những hộ dân ở khu vực gần trạm bơm, các hộ dân ở cuối tuyến kênh thường xuyên phản ánh bị thiếu nước tưới ruộng.
Nguyên nhân chính do thiết kế cao độ của kênh không phù hợp với mặt ruộng. Vấn đề này, cử tri bức xúc phản ánh nhiều lần nhưng đến nay chưa được giải quyết. Một số người đành phải chấp nhận tốn kém bằng cách khoan giếng, bơm nước tưới lúa.
Đến trạm bơm Bến Đình, chúng tôi thấy máy vẫn hoạt động bơm nước liên tục từ sông Vàm Cỏ Đông vào kênh chính. Từ dòng kênh chính này, dòng nước rẽ vào các tuyến kênh nhỏ và dẫn vào đồng ruộng. Ông Nguyễn Thanh Hoàng- Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý các trạm bơm cho biết, trạm bơm Bến Đình được thiết kế cung cấp nước cho 850 hecta đất nông nghiệp, vụ Hè thu 2020 phục vụ được 738 hecta, đạt trên 80% so với thiết kế.
Người kéo điện ra đồng ruộng để bơm nước giếng cứu lúa.
Về việc một số khu vực trong phạm vi phục vụ của kênh thủy lợi Bến Đình bị thiếu nước tưới, ông Hoàng giải thích do một số nguyên nhân, như có tuyến kênh, đơn vị thiết kế bị sai sót, độ cao tuyến kênh không phù hợp. Để khắc phục một số sai sót trong thiết kế, xí nghiệp đã sửa chữa, nâng cấp độ cao của một số tuyến kênh. Tuy nhiên, việc sửa chữa này phụ thuộc vào tình hình ngân sách cấp trên rót xuống cho xí nghiệp, nên xí nghiệp cũng không biết chắc chắn khi nào khắc phục hoàn toàn sự cố thiếu nước cho nông dân.
Một nguyên nhân khác, năm nay nắng hạn gay gắt, đồng ruộng khô hạn kéo dài, lúa lại bán được giá cao nên 90% diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi phục vụ của trạm bơm đều được người dân trồng lúa. Vì vậy, nhu cầu sử dụng nước cho ruộng lúa tăng cao dẫn đến trạm bơm không đủ nước phục vụ.
Trạm bơm Bến Đình hoạt động liên tục suốt hai tháng qua nhưng vẫn không đủ sức cung cấp nước cho đồng ruộng.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do chính người nông dân tạo ra, đó là Xí nghiệp có lịch cung cấp nước tưới luân phiên trên từng cánh đồng. Một số nông dân tranh chấp nước, tự động mở kênh lấy nước, khiến những phần đất ở cuối tuyến kênh thiếu nước.
Ngoài ra, một số bà con ở khu vực chưa đến lịch lấy nước tưới nên sốt ruột phản ánh thiếu nước. “Để khắc phục tình trạng này, từ ngày 25.5 đến nay, trạm bơm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày và không có ngày nào nghỉ”, ông Nguyễn Thanh Hoàng- Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý các trạm bơm cho biết thêm.
Đại Dương