Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trạm cấp nước chỉ phục vụ có… 6 hộ dân !?

Cập nhật ngày: 29/05/2015 - 02:10

Một hộ dân đang sử dụng nước của trạm nhưng vẫn mua nước bình về uống.

KHÔNG DÁM SỬ DỤNG NƯỚC DO TRẠM NẰM TRÊN ĐẤT NGHĨA ĐỊA CŨ

Chúng tôi liên hệ với UBND xã Phước Trạch để tìm hiểu những vấn đề bạn đọc phản ánh. Lãnh đạo UBND xã cho biết, ngày 27.4.2009, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu (chủ đầu tư) đã bàn giao trạm cho UBND xã Phước Trạch quản lý, vận hành với quy mô thiết kế là cung cấp cho khoảng 300 hộ dân địa phương. Thế nhưng, hiện nay chỉ có 6 hộ sử dụng nguồn nước của trạm mà thôi.

Sau khi tiếp nhận trạm cấp nước, xã đã khuyến khích người dân đăng ký sử dụng nước từ trạm, nhưng hầu hết người dân “lắc đầu” vì cho rằng giếng nước được khoan trong khu đất nghĩa địa vừa mới giải toả nên không dám xài. UBND xã đã đưa mẫu nước đi kiểm nghiệm, kết quả xác nhận nguồn nước đạt chuẩn, nhưng người dân cũng không đăng ký sử dụng.

Đến tháng 2.2012, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, trạm cấp nước được UBND xã Phước Trạch bàn giao về cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh quản lý (Trung tâm Nước sạch) và sử dụng đến nay. Dù chỉ có 6 hộ dân sử dụng nguồn nước, nhưng trạm vẫn hoạt động và Trung tâm Nước sạch cũng ký hợp đồng với một cán bộ xã để quản lý và vận hành trạm cấp nước.

Nhiều người cho rằng trạm cấp nước chỉ phục vụ cho 6 hộ dân là rất lãng phí; đồng thời đề nghị Trung tâm Nước sạch có biện pháp thu hút người dân tham gia sử dụng nguồn nước do trạm cung cấp.

CẦN KHOAN GIẾNG NƯỚC KHÁC!

Chúng tôi đến trạm cấp nước xã Phước Trạch để tìm hiểu. Trạm được xây dựng kiên cố, tháp nước cao hơn 10m. Nước được bơm từ giếng khoan sâu hơn 100m, qua hệ thống xử lý rồi mới đưa lên tháp nước để cung cấp cho hệ thống.

Theo người hợp đồng vận hành trạm, hằng tháng thu tiền nước của 6 hộ dân chỉ được khoảng 300.000 đồng, trong khi đó khoản lương trả cho người vận hành đến 1 triệu đồng, chưa kể tiền điện và các chi phí khác. Do đó, hằng tháng Trung tâm Nước sạch phải bù lỗ cho trạm.

Một hộ dân tại ấp Xóm Mía đang sử dụng nước từ trạm cấp nước cho biết, gia đình chỉ lấy nước trạm để sinh hoạt, tắm giặt… còn uống thì phải mua nước bình 20 lít để sử dụng. Chúng tôi hỏi vì sao nguồn nước trạm đã được kiểm nghiệm đạt chuẩn nhưng lại không dám uống, một số hộ cho biết khi nghĩ giếng nước khoan trong khu vực nghĩa địa vẫn thấy “ớn”.

Trạm cấp nước ấp Cây Nính, xã Phước Trạch dù theo dự kiến sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 300 hộ dân nhưng vì xây dựng trên đất nghĩa địa nên chỉ có 6 hộ dân sử dụng.

Người dân trong khu vực thắc mắc: “Không biết trước đây mấy ổng đi khảo sát như thế nào mà lại khoan giếng lấy nước ngay trên đất nghĩa địa vừa mới giải toả xong, thử hỏi người dân nào không “ngán”?”.

Ngoài ra, người dân nơi đây còn cho biết, nếu đăng ký sử dụng nước của trạm thì việc đấu nối vào hệ thống ống rất cực, bởi vì trước đây con đường chỉ là sỏi đỏ, hệ thống ống của trạm đi ngầm sâu 5 tấc, bây giờ con đường được nâng cấp lên nhựa nên hệ thống ống nằm sâu gần cả mét.

Chúng tôi đến Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh để tìm hiểu cụ thể về Trạm cấp nước xã Phước Trạch, nhưng lãnh đạo trung tâm bận công tác. Còn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các trạm cấp nước đều khoan mạch nước ngầm sâu trên 100m nên chất lượng nước bảo đảm.

Theo vị lãnh đạo này, một trong những nguyên nhân khiến người dân không sử dụng nước trạm là do nguồn nước giếng khoan ở mỗi gia đình rất tốt. Có nơi khi điều tra khảo sát, người dân đều ký tên đồng tình, nhưng khi trạm cấp nước hoàn thành thì không có mấy người chịu đăng ký sử dụng.

Nhiều người cho rằng, để người dân Phước Trạch yên tâm tham gia sử dụng nước từ trạm, Trung tâm cần cho khoan giếng nước khác xa khu vực nghĩa địa; đồng thời địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân yên tâm khi sử dụng nguồn nước sạch đạt chuẩn an toàn từ trạm cung cấp.

THẾ NHÂN