Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trận dịch kinh hoàng 200 năm trước
Thứ tư: 15:48 ngày 15/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đấy là trận dịch diễn ra năm 1820, vừa đúng 200 năm trước. Theo một số tư liệu, đại thi hào Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều cũng đã mất bởi dịch bệnh này, khi ông có lệnh triệu hồi vào đoàn sứ bộ sắp sửa lên đường sang Trung Quốc (triều Thanh).

Ảnh tư liệu của Dương Công Đức.

Giữa lúc toàn quân và dân ta đoàn kết, kiên cường chống dịch Covid- 19 dưới dự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ những tháng đầu năm 2020, tôi tìm lại sách xưa, tìm hiểu về mộ trận dịch lan tràn trên khắp nước Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng. Đấy là trận dịch diễn ra năm 1820, vừa đúng 200 năm trước. Theo một số tư liệu, đại thi hào Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều cũng đã mất bởi dịch bệnh này, khi ông có lệnh triệu hồi vào đoàn sứ bộ sắp sửa lên đường sang Trung Quốc (triều Thanh).

Sách Đại Nam thực lục chính biên- Đệ nhị kỷ có chép về dịch bệnh này. Tuy không ghi rõ là dịch bệnh gì, nhưng có nhà nghiên cứu cho là “dịch tả” (Vũ Đức Liêm, Văn nghệ Thái Nguyên, ngày 3.3.2020). Hậu quả của trận dịch (Sđd, tập V, NXB Khoa học Xã hội, 1963) là: “Số hộ khẩu chết tất cả là 208.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Trước sau chẩn cấp tổng kê hơn 73 vạn quan tiền…” (trang 176).

Cuối năm ấy (Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất- 1820) cũng có số liệu của sách “hội kê dinh điền tiền gạo vàng bạc” do bộ Hộ dâng lên vua. Sách ghi: “số đinh hơn 620.240 người, tiền hơn 1.925.920 quan…” (trang 178). Nghiên cứu của Vương Công  Đức trong Trảng Bàng phương chí, cho thấy số dân thời đầu triều Nguyễn có thể tạm tính theo tỷ lệ:- 1 định thì có 4 dân. Vậy dân số Đại Nam năm 1820 là vào khoảng gần 2 triệu 500 ngàn người. Vậy mà số người có tên trong hộ khẩu chết đã là gần 209 ngàn người.

Nếu tính cả số “nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch” nữa, thì trận đại dịch ấy đã giết chết khoảng một phần mười (1/10) dân Đại Nam lúc bấy giờ. Số tiền chi ra chủ yếu là tiền tuất và thuốc men chữa bệnh chiếm tới 38% số còn trong ngân sách quốc gia. Số liệu cho thấy thiệt hại thật nặng nề.

Tiếc rằng sách Đại Nam thực lục chủ yếu chỉ ghi chép chuyện điều hành của triều đình. Vậy nên những hình ảnh rất đau thương và có thể, cả những nỗ lực chống dịch trong dân gian đã không được phản ánh đầy đủ. Tuy vậy, người đọc ngày nay có thể hình dung lại phần nào về trận dịch bệnh này. Nó xuất hiện và hoành hành khắp đất nước ngay trong năm đầu tiên trị vì của vua Minh Mạng (1820).

Đầu tiên là vào tháng 5 (âm lịch)- giữa mùa hè. Sách chép: “Ở Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường bệnh dịch phát to. Dụ cho sở tại làm lễ cầu đảo. Người bị bệnh không kể quan quân hay dân đều cho thuốc men. Người chết, quân lính thì theo lệ cấp tiền tuất và cấp thêm một tấm vải; dân thì đàn ông đàn bà, người già, người trẻ, mỗi người cấp 3 quan tiền. Người nào hài cốt bộc lộ thì nhà nước liệm táng cho.

Lại sai trung sứ đi tuyên dụ cho quan địa phương phải thân đi cấp tiền tuất, hỏi thăm dịch khi nhẹ hay dữ, và số quân dân bị ốm chết, cứ mỗi ngày một lần tâu…”. Còn chưa rõ “hài cốt bộc lộ” là thế nào! Có thể là người chết vô gia cư, chết đường, chết chợ. Nhưng ở giai đoạn đầu, biện pháp chống dịch được nêu ra là “cầu đảo” và cho thuốc (chắc là thuốc nam). Tuy vậy, việc lo mai táng cho người chết đã được thực hiện chu đáo.

Đến tháng 7 (âm lịch), dịch bệnh đã lây lan ra khắp dải đất miền Trung. Trang 118 sách chép: “Từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo bệnh dịch. Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi một đàn tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải, theo như lời dụ trước. Nhà vua rất lo về dịch lệ, từng ở trong cung trai giới và cầu đảo ngầm.

Bảo bầy tôi rằng: “Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay. Trẫm làm chủ của dân, duy có ngày đêm kinh sợ, xét mình sửa đức để hồi lại ý trời. Đến như vì dân mà cầu đảo thì không cái gì là không làm, ngõ hầu khí độc có giảm ít chăng? Bèn sai Nguyễn Văn Nhân cầu đảo ở đàn Thái tuế Nguyệt tường (dân đặt bên tả đàn Nam Giao, bực thứ ba). Trần Văn Năng đảo ở miếu Đô thành hoàng. Nguyễn Văn Hưng đảo ở miếu Hội đồng. Lại sai bố thí cho các chùa, làm đàn trai tiếu khiến cầu đảo cho dân…?”.

Thời phong kiến, có quan niệm:- mọi chuyện tốt, xấu, dữ, lành… đều tại ý trời. Vua Minh Mạng cũng vậy. Thậm chí ông còn tự mình nhận lấy trách nhiệm. Vua nói: “Trẫm không có đức, trên can phạm hoà khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm…” Đại thần Nguyễn Đăng Hưng có lời can: “Thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình”. Vua lại bảo: “Nếu trẫm không thiếu đức thì tai vạ ở nước ngoài làm sao vào được…”.

Đến tháng 9 năm ấy, dịch đã lan ra đến Bắc Thành, gồm Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Không có đoạn chép nào ghi lại sự kiện này, chỉ có một đoạn chép việc vua họp với các vị quan Cơ mật Đại thần: Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng và Nguyễn Hữu Thận. Vua dụ: “Năm nay dịch lệ phát ra từ Hà Tiên, lan tới Bắc Hà, trước kia chưa có thế…

Dân Bắc Hà thấm nhuần đức hoá còn cạn, nay gặp tai vạ ấy, chưa biết tình trạng dân ngu xuẩn thế nào… Nhân đó dụ từ Nghệ An ra Bắc chỉnh bị đồn trát cho nghiêm và thao diễn quân lính đề phòng xảy ra sự không ngờ”. Vậy là vua Minh Mạng, dù dám nhận trách nhiệm nhưng với hệ tư tưởng phong kiến vẫn luôn coi thường sức dân và trí tuệ nhân dân.

Dân chỉ như một bầy đàn để các vua quan “chăn dắt” cũng như huy động nguồn lực khi cần. Chú ý rằng giai đoạn này việc huy động sức dân là rất lớn. Dân đinh có 620.240 người, mà cuối năm ấy bộ binh tâu dâng về: “Nhân số năm nay, về binh ngạch, quan lại trong ngoài, các sắc binh tượng cùng các hạng biệt tinh, biệt tạp, tạp lưu gồm 204.220 người có lẻ…”. Như thế là cứ 3 người trai trong độ tuổi lao động thì 1 người phải ra đi.

Tháng 12 (âm lịch) thì dịch tan. Sách viết: “Nạn dịch ở Bắc thành đã lui, thành thần tâu lên. Vua mừng phê rằng: Hạt ngươi bị nạn dịch ở sau các cõi trong nước, nay dịch lui, thế là toàn hảo…” (trang 176). Thế là dịch bệnh đã hoành hành trên cả nước suốt 6-7 tháng ròng. Vua buộc phải bãi bỏ hoặc tạm dừng một số việc công.

Như việc xây kho ở Quảng Trị, việc sửa cầu Lý Hoà ở Quảng Bình. Ngay cả lễ tấn phong “Hoàng mẫu làm Hoàng Thái Hậu” cũng phải để lại. Công trình lớn nhất khi ấy là đào kênh Vĩnh Tế cũng phải tạm đình hoãn tiếp, khi tổng trấn Lê Văn Duyệt có biểu xin cho tiếp tục đào trong năm tới (1821).

Bộ binh xin tiếp tục bắt lính sau khi dịch tan vua cũng không cho. Dụ rằng: “Dân đau ốm mới khỏi, người đi lánh nạn chưa trở về hết, nếu vội vã bắt lính, há chẳng nhiễu dân sao?” (trang 169). Đặc biệt là trong quá trình “chống dịch”, có chuyện: “Đình thần Quảng Nam lấy cớ rằng trong cõi nhiều người bị bệnh dịch chết, tâu xin từ 9 tuổi trở xuống thì bớt lệ tiền tuất. Vua quở trách rằng: “Hết thảy trên đất nước đều là dân ta, khắp trong bốn biển đều là của ta. Trẫm thấy trăm họ bị tật dịch, lo thương không xiết, há lấy cớ phải cấp nhiều tiền mà lại bàn giảm bớt đi?”.

Đọc lại sách xưa, để nhận ra đầy đủ hơn giá trị của hôm nay. Đó là 200 năm trước, khi mà các nước phương Tây đã có cách mạng công nghiệp với nhiều thành tựu mang tính cách mạng thì nước Việt ta vẫn còn chìm đắm trong xã hội phong kiến nghèo nàn, lạc hậu.

 Vậy mà nay, ta đã bước vào trận chiến chống dịch Covid- 19 thật tự tin, quyết đoán, vững chắc, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Trong khi nhiều nước phát triển còn đang lúng túng, Việt Nam trở thành điểm sáng để các nước nhìn về, ca ngợi hoặc làm theo. Chính trong những ngày này, mới thật sự nhận ra đất nước mình đã lớn lên vĩ đại biết bao, dù mới thoát khỏi chế độ phong kiến  3/4  thế kỷ. Để ai ai cũng có thể tự hào mình là người Việt.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục