Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vài nét về tác giả: nhà thơ Lê Anh Phong là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, có nhiều thơ in trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn, báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Nhà Văn &Tác Phẩm… Thơ của anh có một số phát hiện khá mới lạ, giàu chất thơ như tập “Mùa trong gốm”.
“Hoa trái mùa xuân” là tiếng reo vui rộn rã của hoa trái quanh ta nhân mùa xuân về với nhiều sắc màu gần gũi, quen thuộc. Mở đầu là hình ảnh quả gấc: “Quả gấc đỏ tựa mặt trời/ Đầu giàn lủng lẳng, chẳng rơi được nào”. Sắc đỏ được so sánh với mặt trời và tuy là “Đầu giàn lủng lẳng” nhưng cũng thật vững chãi, chẳng hề rơi.
Tiếp theo cũng là một loại quả quen thuộc với hầu hết mọi người: “Quýt chi chít, hội bầy sao/ Vàng tươi chín mọng, ngọt ngào dâng hương”. Với những từ ngữ giản dị, quen thuộc: “chi chít, hội bầy, chín mọng, ngọt ngào...”, nhà thơ Lê Anh Phong đã điểm xuyến cho bức tranh hoa trái thêm sắc màu vàng óng như nắng của quả quýt quê nhà.
Ở khổ thơ 4 câu tiếp theo, là lời giới thiệu 2 loại quả: thanh long và cà: “Vươn đầu rồng, quả thanh long/ Hô mây, gọi gió như trong tích trò/ Quả cà- áo trắng mộng mơ/ Thêu ren, cổ áo thập thò hình hoa”. Từ cái tên và hình dáng của quả, nhà thơ gắn cho thanh long là “hô mây, gọi gió”, phù hợp với loài rồng uy vũ ở trên trời. Còn quả cà như cô thiếu nữ “áo trắng mộng mơ”, cổ áo- tức phần cuống quả được “thêu ren”- ý vị với tứ thơ mới lạ.
Tiếp theo là các quả bí, bầu, rồi bưởi, cam... với những đặc trưng vốn có: “Bí, bầu quấn quít gần xa/ Bí tròn, bầu ống, đôi ta chung giàn/ Vỏ dày - bưởi, vỏ mỏng - cam/ Tép giòn, ngọt nước, hương thơm đậm đà”. Tất cả đều rất quen thuộc và gắn bó với đời sống của con người, đặc biệt là ở vùng nông thôn, gắn liền với vườn tược, cây trái...
Khổ thơ kết thúc: “Bạt ngàn hoa trái quanh ta/ Muôn hồng ngàn tía, mặn mà sắc Xuân/ Em đi xa lại về gần/ Mãi nghe hoa trái mùa Xuân hẹn hò” như một lời nhắn nhủ, hẹn hò. Dù quanh ta hoa trái bạt ngàn, song “muôn hồng ngàn tía” chỉ có ở sắc xuân, mùa xuân. Và xuân được ví với “em” nồng ấm thương yêu, sau thời gian xa vắng đã “lại về gần” để hẹn hò đúng dịp, để hoa trái đâm chồi nảy lộc, hứa hẹn một mùa vui.
Bài thơ tả cây trái, tràn đầy sắc xuân và cảm nhận của lòng người trước một mùa vui “muôn hồng ngàn tía”, trong đó, gửi gắm biết bao tình cảm quý mến chân thành khi trời đất bước vào mùa xuân mới.
CHÍNH VŨ