BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trăn trở măng le

Cập nhật ngày: 01/11/2015 - 07:17

Vợ chồng ông Đây đang bẻ măng tại một cánh rừng ở xã Tân Hoà.

Đặc sản của rừng

Măng le được lấy từ cây le - thuộc họ tre nứa không có gai, thân dẻo, thường mọc nhiều ở rừng miền Đông Nam bộ. Le mọc thành từng bụi, có khi mọc thành từng láng rộng. Hằng năm, mùa măng le bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến hết tháng 10.

Người ta dùng loại thực phẩm này để chế biến thành nhiều món ăn ngon như kho thịt, bún măng, vịt hầm măng, thịt cầy xáo măng… Trên thực tế có nhiều loại măng như tre, lồ ô, trúc, tầm vông, nứa, nhưng măng le là loại mà người ta thích ăn nhất. Bởi măng đặc ruột, dễ chế biến, vị hơi ngọt bùi, có mùi thơm đặc trưng, không chát, không quá đắng.

Măng le mang về được phân thành 2 loại, măng lóng và măng đọt. Măng le sau khi lột xong phải luộc sơ qua nước sôi bán mới có giá, nếu để vậy chỉ bán được khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng nếu luộc chín quá bán sẽ mất ký. Măng lóng (phần cứng hơn, áp đọt) bán được 15.000 đồng/kg, măng đọt 25.000 đồng/kg.

Tuỳ theo kinh nghiệm bẻ măng của từng người, mỗi ngày cho thu nhập từ 130.000 đồng đến 250.000 đồng. Bẻ măng mà không biết lột măng thì sẽ mất nhiều thời gian và sản lượng thu được không nhiều. Cách lột là dùng một con dao bén để xéo lên chóp trên cùng của búp măng (phần bỏ đi), sau đó ấn xuống quá nửa rồi giữ lại đó, tay kia cầm thân măng vặn ngược, thế là xong.

Cách này chỉ mất khoảng 5 giây là lột xong một búp măng, nếu ai không có kinh nghiệm ngồi lột từng bẹ phải mất đến 3 phút. Đến mùa măng, có nhiều người từ các huyện Tân Biên, Tân Châu rủ nhau đi bẻ măng về bán kiếm thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, đây là một công việc vất vả, nguy hiểm luôn rình rập người săn măng.

Vất vả tìm măng

Người bẻ măng le thường đi theo nhóm, mỗi nhóm từ 2 đến 4 người. Để thu được nhiều măng, các nhóm phải chia ra đi từng khu rừng khác nhau. Khi vào rừng, mỗi người trong nhóm lại đi một lối riêng. Những người đi bẻ măng đa số là dân lao động nghèo ở ấp 1, ấp Chăm, xã Suối Dây; ấp Suối Bà Chiêm, ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.

Thậm chí ở ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu cũng có người lên tận đây bẻ măng. Chúng tôi đã theo chân nhóm 3 người ở ấp 1, xã Suối Dây đi tìm măng hướng rừng Suối Độn thuộc ấp 2, xã Suối Ngô. Hôm sau lại đi theo một nhóm khác rẽ về hướng những cánh rừng thuộc địa phận xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.

Thời gian bẻ măng thường bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều cùng ngày. Đồ nghề để đi bẻ măng rất đơn giản, mỗi người chỉ cần mang theo một con dao, giỏ xách và bao tải. Nói là đi bẻ măng, nhưng thật ra đến nơi phải “lủi” khom thấp người hoặc bò từ bụi le này sang bụi khác, bởi đặc thù của cây le có tán lá thấp và rậm rạp.

Mặc dù măng mọc nhiều, nhưng phải chịu khó để ý mới phát hiện ra, bởi một bụi le có rất nhiều cây ken đặc nhau, che khuất tầm nhìn, hơn nữa khi bò dưới bụi le ánh sáng rất hạn chế. Cái khó và nguy hiểm là vừa phải “căng” mắt tìm măng, vừa phải đề phòng những mối nguy từ rắn độc, bò cạp, rết, kiến nhọt, ong rừng, nhiều nhất là ong lá, cũng phải coi chừng hố sâu và gốc nhọn có thể đang bị che khuất dưới lớp lá ủ.

Đã có nhiều người gặp phải nguy hiểm khi đi bẻ măng. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Ngân, nhà ở ấp 1, xã Bến Củi: “Lúc đi bẻ măng lần đầu tôi chưa có kinh nghiệm, thấy bụi le nào nhiều măng là vội vàng lao vào ngay. Khi nhận được vài mũi đốt của ong mặt quỷ mới tá hoả, thì ra bụi le này còn nhiều măng là do có “bẩy” nguy hiểm.

Sau sự cố đó tôi nằm luôn ở nhà hai tuần để điều trị và chờ đến mùa măng năm sau. Một lần khác do bất cẩn sụp hố dưới lớp lá ủ bị cây nhọn đâm vào mặt còn để sẹo cho tới giờ”, anh kể. Trường hợp của bà Phạm Thị Kịp, 71 tuổi (ngụ tại tổ 8, ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà) thì nặng hơn.

Bà nói như tâm sự: “Vợ chồng tôi chuyên sống bằng nghề bẻ măng đã hơn 50 năm nay, nhà có 10 người con mà đứa nào cũng nghèo, nên vợ chồng già đành tự lực nhờ cây măng sinh sống, còn phải lo cho hai đứa cháu. Một năm chỉ có một mùa măng nên tranh thủ kiếm tiền để dành. Khoảng thời gian này năm trước, do mắt kém, lủi rừng bị vấp phải dây leo té ngã gãy chân, nằm bệnh viện tỉnh cả tuần, 5 tháng sau mới đi lại được”.

Nói về các mối nguy hiểm khác, chồng bà Kịp, ông Trần Văn Đây, 73 tuổi tiếp lời: “Đang là mùa mưa nên lủi rừng rất nguy hiểm, không có chỗ để phòng tránh các cơn sét đánh trong rừng. Khi gặp mưa rừng, mọi người đành ngồi lỳ dưới những bụi le rậm rạp chờ tạnh.

Hôm nào trời không mưa trong rừng rất hầm hực, mồ hôi đổ như tắm, cơ thể luôn trong tình trạng mất nước. Cơm ăn không nổi nhưng nước thì phải uống liên tục, nhiều lúc hết nước mang theo phải uống luôn cả nước hầm bom. Các loại côn trùng có nọc độc thường lên cây trú ẩn, người bẻ măng cũng khó mà biết là chúng sẽ ẩn mình ở đâu trong rừng rậm”.

Hầu như tất cả các cánh rừng có măng le ở huyện Tân Châu vợ chồng ông Đây đều đã đặt chân đến. Điều mà đôi vợ chồng cao tuổi này lo lắng là nguồn măng le thu được hằng năm cứ giảm dần, do ngày càng có nhiều người đi bẻ măng nhưng ít có ý thức để dành măng cho những vụ sau.

Còn le mới còn măng

Trên thực tế, hầu như bụi le nào cũng có dấu người bẻ măng trước đó. Mặc dù cây le có sức phát triển rất cao, chỉ cần đang mùa ra măng bẻ đi búp này thì vài hôm sau có búp khác mọc lên. Tuy nhiên, nếu chịu khó để ý sẽ phát hiện nhiều bụi đã bị khai thác đến “kiệt sức”, già cỗi.

Cách để nhận biết rõ nhất là bụi le đó toàn cây chồi nhỏ, ít mọc măng, măng không to, thậm chí có bụi không ra măng, chờ ngày chết. Có chỗ, le đã bị chặt sạch sát gốc để dọn đường đi hoặc lấy cây làm chà, nếu cứ tiếp tục như vậy thì sớm muộn cây le cũng sẽ bị “khai tử”.

Theo kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với cây le, ông Đây trăn trở: “Phải chi mọi người bẻ măng chừa lại một vài búp tốt thì mùa sau lại có măng to mà bẻ. Cây le trưởng thành chặt bán làm chà có giá trị kinh tế không hơn gì măng nhỏ, để lại vài cây để duy trì cả bụi thì có đáng bao nhiêu.

Cứ bẻ ngang không chừa búp nào, lại chặt hết bụi như vậy thì cây le sẽ có ngày tuyệt chủng. Được biết, vợ chồng ông Đây sống nhờ cây le nhưng không bao giờ chặt le hay bẻ sạch măng, luôn chừa những búp măng tốt cho cây tái sinh. Chỉ tiếc là không phải người bẻ măng nào cũng có ý thức chừa mầm sống cho cây le như vậy...

Quốc Sơn