Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giáo viên vùng sâu:
Trăn trở trước thềm năm học mới
Thứ sáu: 05:30 ngày 01/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Biên, Tân Châu đang có nhiều trăn trở vì phụ cấp bị cắt giảm, nhà công vụ thiếu, nơi có thì xuống cấp trầm trọng...

Góc bàn làm việc của thầy Quyền trong căn nhà công vụ rộng chừng 15m2.

 Đồng lương bèo bọt

Chúng tôi đến thăm Trường mầm non Tân Khai thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên vào những ngày đầu năm học mới- nơi cách thị trấn Tân Biên đến hơn 40km. Cô Nghiêm Kiều Dung- Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Trường mầm non này được UBND tỉnh và ngành Giáo dục đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, nhưng cuộc sống của giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn. Phải yêu nghề lắm họ mới bám trụ lại trường để công tác”.

Ở ngôi trường này, đa số giáo viên từ thị trấn Tân Biên và các huyện khác về công tác. Trong đó có những giáo viên còn rất trẻ và cũng có người sắp về hưu. Mặc dù công tác ở đây vô cùng khó khăn, nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ nên các cô giáo không ngại vất vả, luôn bám trường. Thế nhưng, mới đây, giáo viên nhận được thông báo cắt giảm phụ cấp, do ngôi trường này không trong diện xã đặc biệt khó khăn. Số tiền bị cắt giảm trung bình từ 2 - 3,5 triệu đồng/tháng.

 “Tôi về đây công tác được khoảng 1 năm nay, lương mới ra trường chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Nay trợ cấp vùng sâu vùng xa đã bị cắt hết, trường lại cách nhà hơn 30km, ở lại thì chưa có nhà công vụ, về nhà lại quá xa, tiền xăng đi lại không dưới 1,2 triệu đồng/tháng. Thật sự chúng tôi không còn đủ tiền chi tiêu hằng tháng nên chẳng thể an tâm công tác được”- cô Trần Thị Thuỷ, giáo viên Trường mầm non Tân Khai chia sẻ.

Chính cô Dung cũng rất khó khăn, con còn nhỏ, trường xa nhà, nhưng do yêu nghề nên cô mới trụ được ở ngôi trường giữa rừng sát biên giới này. Nay chế độ phụ cấp lại bị cắt giảm, chẳng biết giáo viên ở đây còn trụ lại được bao lâu, được mấy người.

Nhà công vụ xuống cấp

Ở hai huyện Tân Biên và Tân Châu có rất đông giáo viên từ địa phương khác chuyển đến công tác. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn thiếu nhà công vụ, giáo viên phải tận dụng các phòng học cũ, gia cố tạm hoặc phải thuê nhà trọ để ở. 

Tại Trường tiểu học Bưng Bàng (huyện Tân Châu), ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm thấp, gồm 5 phòng, nằm phía sau trường là nơi ăn ở của 8 giáo viên dạy học tại trường này. Mỗi căn phòng rộng khoảng 15m2, mái tôn mòn thủng nhiều chỗ, mùa nắng nóng hừng hực, còn mưa thì dột khắp nơi. Trong mỗi phòng chỉ đủ kê một chiếc giường làm chỗ nghỉ ngơi, một chiếc bàn nhỏ để soạn giáo án, chấm bài.

Thầy Lê Anh Quyền- giáo viên của trường, nhà ở ấp Bàu Cỏ, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết, do trường cách nhà đến hơn 45km nên vợ chồng thầy phải ở lại trường đã hơn 10 năm trong căn phòng ngày càng xuống cấp này. Nhiều khi vợ chồng thầy cũng thấy nản, nhưng vì thương học sinh nên vẫn bám lớp, bám trường.

Theo thầy Quyền, khu tập thể này xây dựng đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng nên ai cũng lo sợ mỗi khi mưa giông. Giáo viên của trường rất mong có được khu tập thể mới để yên tâm nghỉ ngơi sau những giờ giảng dạy trên lớp.

Khu dân cư Chàng Riệc (huyện Tân Biên) cũng thiếu nhà công vụ. Dù vậy, các thầy cô tại đây không lo lắng nhiều về chuyện này mà lo về an ninh vào buổi tối. Theo cô Trần Thị Thuỷ, do khu vực này sát biên giới nên tình hình an ninh trật tự còn nhiều bất cập, thường xuyên xảy ra trộm cắp vào buối tối. Nhiều giáo viên cảm thấy không yên tâm khi ở lại qua đêm nên cố gắng về nhà sau mỗi ngày dạy, dù nhà khá xa. Cũng có giáo viên thuê nhà trọ để an tâm hơn.

Chia sẻ nỗi niềm với giáo viên vùng sâu, cô Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Tân Biên cho biết: “Các trường tại Khu dân cư Chàng Riệc được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở tương đối tốt. Hầu hết giáo viên đến Tân Khai công tác có nhà ở xa nên nhà công vụ cũng được đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, nhà công vụ chỉ có 4 phòng mà nhu cầu ở lại của giáo viên lại cao, nên thiếu khoảng 3 phòng nữa. Ngoài ra, an ninh trật tự cũng chưa được tốt. Chúng tôi đề nghị địa phương phối hợp với ngành để bảo đảm an ninh cho các giáo viên. Sắp tới, chúng tôi tập trung tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng hàng rào quanh nhà tập thể để giáo viên an tâm ở lại công tác”.

Cô Yên cho biết thêm, ở một số xã trên địa bàn huyện Tân Biên đã có nhà công vụ cho giáo viên, hầu hết đã xuống cấp, ngiáo viên không dám ở hoặc chỉ ở tạm. Trong khi đó, chi phí sửa chữa, nâng cấp nhà công vụ cũ và xây nhà công vụ mới không nhỏ, nên dù ngành đồng cảm với những khó khăn của giáo viên, nhưng cũng đành chịu.

Vũ Nguyệt

Trong năm học 2017 - 2018, trên địa bàn huyện Tân Biên có 59 đơn vị trường học các cấp mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu khoảng 116 giáo viên để bảo đảm đủ số lượng bố trí dạy bán trú và dạy 2 buổi/ngày tại các cấp học.

Mặc dù số lượng giáo viên hiện nay còn thiếu khá nhiều, nhưng trong năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục huyện Tân Biên chỉ được giao 16 biên chế. Trong khi đó, theo chỉ tiêu, trong năm học này, huyện phải tinh giản 12 biên chế. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác dạy và học trên địa bàn. 

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Tân Biên kiến nghị Sở GD&ĐT tham mưu với Sở Nội vụ và UBND tỉnh cho chủ trương hợp đồng giáo viên, đặc biệt là ở bậc mầm non theo Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Có như thế, Tân Biên mới bảo đảm đủ số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục