Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ấp Phước Giang là một vùng đất thấp trũng, nhiều kênh rạch, có nhiều cây cà na, một loại cây cho quả nhỏ bằng ngón tay, vị chát lại hơi chua và đắng…

|
Đoàn thực tế sáng tác chụp hình lưu niệm ở xã Phước Lưu |
(BTN) - Từ trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Phước Lưu, một trong 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng, anh Năm Ngó- cán bộ phụ trách Tuyên giáo xã và một cán bộ địa chính hướng dẫn đoàn văn nghệ sĩ cùng các học viên vừa tham gia khoá bồi dưỡng sáng tác văn học của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đi đến ấp Phước Giang, tham quan mô hình hợp tác xã nuôi lươn sạch- một mô hình kinh tế mới phát triển, giúp người dân vươn lên, thoát nghèo.
Ấp Phước Giang là một vùng đất thấp trũng, nhiều kênh rạch, có nhiều cây cà na, một loại cây cho quả nhỏ bằng ngón tay, vị chát lại hơi chua và đắng nhưng khi ngào đường, làm mứt thì quyến rũ những cô cậu học trò chẳng khác nào những trái ô mai, xí muội… Cà na ướm chín, hái trên cây cũng được xem như món mồi của dân nhậu và là món quà vặt thú vị của trẻ con trong lúc chăn trâu, lùa vịt ở trên đồng, cũng từ đó nó đi vào nỗi nhớ của những ai đã và đang sống ở vùng quê nghèo này.
Con đường vào ấp, cách xa trung tâm của xã Phước Lưu chỉ vài cây số, ngày xưa sình lầy, gian nan, vất vả, nay đã được tôn cao, rải phún đỏ, thuận tiện cho người dân đi lại. Như để thử thách cái háo hức, nôn nóng của những cây viết mới được dùi mài và thêm ấn tượng cho chuyến đi, ngẫu nhiên con đường cũng đang được tu bổ, đắp thêm những lớp đất sét đỏ, xe xúc, xe lu vẫn còn đang trên mặt đường, cộng thêm cái ui ui, lất phất mưa của áp thấp nhiệt đới, khiến con đường thêm trơn trợt. Chiếc xe “mẹc-ben” 15 chỗ ngồi… bò chậm chạp, có đoạn trơn muốn lao xuống ruộng. Anh cán bộ địa chính hướng dẫn, chỉ tay vào cụm nhà xa xa, động viên mọi người: “Qua khỏi đám nhà đỏ đỏ kia là tới”. Nắng đã hửng lên, song bùn đã quến dầy mấy lớp ô tô. Tài xế ngừng xe, yêu cầu mọi người thông cảm xuống xe đi bộ, vì sợ ô tô trợt bánh, đưa mười mấy văn thi sĩ xuống làm bạn với cây lúa thì phiền! Ước lượng quãng đường chắc chừng vài trăm thước, nhiều người hăng hái và xăng xái rảo bước, nếm trải cái cảm giác đi trên lớp đất sét dẻo mềm quyến luyến bước chân, đường quê im ắng, vắng lặng. Lúa đang kỳ trổ đòng, xanh non mơn mởn. Đoàn người rồng rắn kéo nhau đi, giống một đám rước dâu (vì trong đoàn cũng có những người điệu đà, giương dù hoa che nắng). Một trăm mét, rồi năm trăm mét, mồ hôi bắt đầu tươm ra, đã nghe có tiếng người phì phò thở. Tội nghiệp những “nàng thơ”, lỡ mang giày cao gót, chắc đang thấy hối hận vì sự thiếu kinh nghiệm của mình. Trưởng đoàn- nhà thơ Nguyễn Văn Tài mình mẩy đã đầm đìa mồ hôi, anh em đùa vui là “thiếu xăng 45 độ”! Nhiều người đâm… cám cảnh, thương cho những em học trò chân đất, mỗi ngày phải đi học trên quãng đường xa lơ, xa lắc, chắc chắn là quanh năm nắng bụi mưa lầy, dù đã được nâng cấp.
Theo anh Năm Ngó, cho đến nay ở Phước Lưu vẫn rất ít người theo học được đến bậc đại học, cũng chỉ vì nghèo. Nhà thơ Xuân Khanh- gốc nhà giáo, cùng đi trong đoàn kể thêm: nhiều khi giáo viên phải ra tận đồng, chở các em học sinh vào trường thi học kỳ, mua cơm cho các em ăn, để chiều các em thi tiếp. Cũng theo Xuân Khanh- nói cho chính xác thì có một xóm- mang tên “xóm Cà Na” nằm ở phía ngoài, cặp với lộ lớn; còn ấp Phước Giang nằm phía bên trong. Song cả 2 nơi cùng có chung những khó khăn vất vả, chung cái cơ cực của người nghèo. Do đó, nỗi vất vả nhọc nhằn của những “chàng văn, nàng thơ” đã thấm gì so với người dân Phước Giang- nơi sẽ gieo vào trái tim người viết những suy tư, trăn trở về một vùng đất quê nghèo.
Đoàn tạm nghỉ chân ở một quán nước ven đường, sau khi đã vượt qua “cái xóm nhà đỏ đỏ”. Còn khoảng hơn nửa cây số mới đến điểm cần đến. Quán vắng lạnh, không bóng người. Chủ quán có lẽ đang bận ra đồng, hay đi đâu đó. Bất chợt ai đó nảy sinh ý thơ: “Quán bên đường, em chủ quán đi đâu?” nghe nao nao, cùng với cơn gió hiếm hoi, xạc xào vách quán.
Vượt qua chiếc cầu mới sửa chữa, bắc ngang dòng kênh Quận 2, đoàn đến nhà anh Rơ- Bí thư Chi bộ ấp và cũng là người khởi xướng chăn nuôi lươn đạt hiệu quả. Chủ khách gặp nhau tay bắt mặt mừng, để cho câu chuyện thêm hấp dẫn và nồng ấm, chủ nhà mang ra dĩa mít vàng ươm, dĩa trái cà na còn xanh mướt mát- đặc sản của quê hương và một xị rượu để đãi khách. Căn nhà bỗng vang lên tiếng cười nói thân tình và vui vẻ. Theo anh Bạo- Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi lươn sạch ấp Phước Giang, thì hợp tác xã (HTX) này có tất cả 23 xã viên, được thành lập từ năm 2009, khi con cá lóc bông bắt đầu có dấu hiệu “thoái trào” bởi người nuôi nhiều nhưng người thu mua thì ít, dẫn đến thua lỗ. Đến nay HTX đã có 5 hộ nuôi lươn thành công, tiêu biểu là hộ anh Rơ. Bình quân, mỗi hồ nuôi trong 6 tháng, thu hoạch được khoảng 40kg lươn thành phẩm, bán được hơn 5 triệu đồng. Với vài ba hồ, mỗi mùa thu hoạch, trừ chi phí công cán, người nuôi cũng kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá. Từ những kinh nghiệm đúc kết được qua những đợt nuôi lươn và thu hoạch, HTX sẽ truyền đạt rộng rãi kinh nghiệm và quy trình nuôi lươn để có thể giúp bà con nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả (nếu biết đầu tư và chăm sóc đúng cách). Đoàn xin phép tham quan các hồ nuôi lươn. Những chiếc máy ảnh thi nhau loé sáng, vừa ghi nhận, vừa mong ước HTX sẽ ngày càng ăn nên làm ra, giúp vùng quê nghèo Phước Giang ngày càng khởi sắc, ấm no, dư dả.
Lại thêm những cảm xúc mới cho chuyến đi ra của đoàn- lần này là “thuỷ lộ”. Đích thân anh Rơ điều khiển chiếc xuồng đưa anh em văn nghệ sĩ trở ra trên dòng kênh Ông Quận. Có người thắc mắc về cái tên “Ông Quận”, anh Rơ cười trừ, không rõ vì sao dòng kênh có tên như thế? Nước ràn rạt hai bên mạn xuồng, có người thích thú, có người hồi hộp, lo sợ. Chừng ấy cảm xúc như tích tụ, râm ran trong cơ thể, bộc lộ qua ánh mắt nhìn. Từng giề lục bình trôi nổi và hoa rau dừa li ti trắng bờ kênh. Những cây tràm, bình bát cứ lùi dần… Trên đầu mênh mang, lớp lớp mây trắng. Bầu trời xanh ngăn ngắt.
Phước Giang- vẫy tay chào tạm biệt! Những trăn trở, nhọc nhằn của anh Năm Ngó lại loáng thoáng bên tai- về việc chọn cây, chọn con, về quy hoạch bố trí lao động, hoàn chỉnh kênh mương thuỷ lợi… Ngồn ngộn những công việc cần làm để thay đổi một vùng đất, thay đổi đời sống của bà con nông dân. Tương lai còn ở phía trước. Song tôi tin, mọi người rồi sẽ làm được, sẽ vượt qua.
Gò Dầu Hạ, tháng 7.2013.
T.H.V