Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trảng Bàng: Cần chấn chỉnh ngay tình trạng khai thác đất ở xã Hưng Thuận
Thứ sáu: 11:27 ngày 04/11/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phải móc đất mới xây dựng được nông thôn mới (?!)

Tiếng xe ben chạy rầm rầm bất kể ngày đêm cùng với những tiếng còi inh ỏi đã trở thành hình ảnh “quen thuộc” chẳng mấy dễ chịu đối với người dân ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Sự việc vẫn diễn ra như “cơm bữa”, nhưng địa phương không thể ngăn chặn?

Sống trong khói bụi

Suốt một ngày tại khu vực xã Hưng Thuận, trên các tuyến đường Lộc Trị, đường 787, đường 789, chúng tôi hết sức khó chịu khi hàng trăm xe ben cỡ lớn chạy liên tục với tốc độ cao, làm “rung chuyển” mặt đất để vận chuyển “sản phẩm” từ các hầm móc đất khu vực ấp Lộc Trị ra bên ngoài. Đối với người dân xã Hưng Thuận, đó là “chuyện thường ngày” mà họ phải chịu đựng đã nhiều năm. Cựu chiến binh Lê Văn Ngang bức xúc: “Các chú thấy đấy, xe chạy ầm ầm với tốc độ cao, bóp còi inh ỏi làm náo loạn cả khu dân cư. Ban ngày chúng tôi chịu đựng đã đành, nhưng đêm xuống cũng có được yên thân đâu. Tuổi già không được nghỉ ngơi, yên tĩnh thì làm sao chịu nổi?”.

Con đường đã bị hầm đất nuốt chửng!

Khu vực này đường khá nhỏ hẹp, nhà dân nằm gần mặt đường nên mỗi lần xe chở đất chạy qua là lại thấy… rung rinh. Xe ben làm đất vương vãi ra đường, gặp những hôm mưa to, đường rất trơn trợt, đường nhựa mà cũng lầy lội khó đi. Khu vực này đã được khai thác đất từ rất lâu, khoảng năm 2001. Một số người đã đến đây mua đất để khai thác. Lúc đầu họ móc đất để làm đường rồi sau đó bán đất san lấp mặt bằng hoặc cung cấp nguyên liệu cho các lò gạch. Đáng nói là theo quy định của tỉnh, đất san lấp, đất khoáng sản khai thác trong tỉnh chỉ được cung cấp cho nhu cầu sử dụng tại địa phương. Thế nhưng, nhiều người dân cho biết, có rất nhiều xe ben chở đất khai thác được bán sang địa phận Củ Chi (TP.HCM) và Bình Dương.

Theo ghi nhận của phóng viên, xe ben chở đất từ các hầm ra ngoài chạy liên tục, không kể giờ giấc. Ngay cả lúc giữa trưa, các xe này vẫn làm việc “rất đều đặn”. Mỗi xe cách nhau khoảng 5–10 phút hoặc nhiều lúc 3–4 xe chạy nối đuôi nhau trên các tuyến đường Lộc Trị, 787, 789. Các tuyến đường này khá nhỏ hẹp, tuy nhiên các xe ben chở đất vẫn phóng đi với tốc độ cao, kéo theo bụi mịt mờ. Vào giờ tan học, nhiều em học sinh khi nghe tiếng xe ben chạy tới là vội vàng dừng xe, tấp vào lề, một phần vì sợ nguy hiểm, phần vì bụi mịt mù. Thế nhưng, nhiều tài xế xe ben thiếu ý thức vẫn cứ nhấn ga, phóng ào ào, mặc cho khói bụi bám đầy mặt, đầy người đám trẻ.

Tại khu vực ấp Lộc Trị tồn tại một “công trường” khai thác đất ngổn ngang với diện tích khá lớn (theo người dân thì khoảng 30 ha). Các hầm đất này rất sâu, nhiều chỗ khoảng trên 10m, bờ hố thẳng đứng, chênh vênh. Mặc dù tại các hầm móc đất có đường đi lại nhưng cả khu vực này hầu như không có rào chắn bảo vệ hoặc “có cũng như không”. Một số đoạn có hàng rào với chỉ 2 – 3 sợi dây kẽm gai mỏng manh “mang tính tượng trưng”, hầu hết đều đã đứt, rơi xuống đất, để lại những “vực sâu” mênh mông đầy hiểm hoạ. Ông Nguyễn Văn Phảnh, người dân địa phương cho biết: Do khu vực này nằm cạnh khu dân cư, ngay cạnh đường đi nên những hầm đất sâu này rất nguy hiểm cho mọi người. Một người dân khác thì cho biết, trước đây, khu vực hầm đất này có con đường giao thông nông thôn. Thế nhưng, gần đây, hoạt động khai thác đất đã “nuốt chửng” một đoạn đường này. “Theo chúng tôi được biết, chỉ có một số ít những người khai thác đất ở đây là có giấy phép, còn lại là khai thác lậu. Thỉnh thoảng, ngành chức năng vào kiểm tra, phạt hành chính vài xe ben chở đất lậu. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, ngành chức năng đi khỏi thì “công trường” lại náo nhiệt như thường. Tôi được biết là tỉnh chỉ cho phép khai thác đến độ sâu tối đa 6m, nhưng không hiểu sao những xe xúc đất, xe ben khai thác ở độ sâu trên dưới 10m vẫn ung dung hoạt động?”, một người dân bức xúc.

Phải móc đất mới xây dựng được nông thôn mới (?!)

Người dân sống ở đây lâu năm cho biết, khu vực này trước đây là đồng ruộng và rẫy của nông dân. Cũng có một số khu vực được quy hoạch làm mỏ đất san lấp, nhưng quy mô nhỏ hơn bây giờ. Khoảng 7 năm trở lại đây, tình trạng khai thác đất được mở rộng theo kiểu “tận thu”, sâu thẳm. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân nhiều lần kiến nghị lên ngành chức năng, yêu cầu để kiểm tra, ngăn chặn, tình trạng khai thác quá độ sâu, quá giờ quy định nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Ông Nguyễn Văn Lam, Trưởng Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng cho biết: Khu vực này có nhiều đơn vị được cấp phép khai thác đất. Theo đó, các chủ hầm chỉ được móc sâu không quá 6m. Những hố sâu trên 10m là khai thác lâu rồi, của mười mấy năm trước (!?). Về giới hạn thời gian, địa phương chỉ cho phép khai thác từ 6 giờ sáng đến 17 giờ. Tuyệt đối không được khai thác, vận chuyển buổi tối. Đã có nhiều đơn vị bị xử lý hành chính vì vi phạm quy định trên.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khu vực này có tình trạng khai thác “chồng độ sâu”. Những khu vực đã móc sâu trước đây được họ khéo léo không móc xuống thẳng đứng nữa. Thay vào đó, các chủ hầm cho mở đường xuống các hố đã khai thác, rồi móc tiếp ngay chính giữa các hố đó. Trong khi đó, việc xe ben vận chuyển đất trong đêm diễn ra như cơm bữa. Người dân đấu tranh, kiến nghị nhưng không chấm dứt được nên đành “chịu thua”. Ông Nguyễn Văn Phảnh cho biết: “Nhiều tài xế xe ben không xem ai ra gì. Giữa đêm khuya chở đất chạy ầm ầm. Chúng tôi có nói với họ, nếu khai thác ban đêm, chạy xe trong khu dân cư thì chạy chậm chút cho đỡ ồn ào. Họ không những không nghe mà còn liên tục bấm còi inh ỏi cả khu vực”.

Hầm hố đã sâu hoắm nhưng vẫn bị “móc” tiếp

Người dân cho biết, để né tránh ngành chức năng, các chủ phương tiện cơ giới khai thác đất thường có một lực lượng “đề lô” (người canh đường) khá đông đảo. Đây là lực lượng bảo đảm cho các xe chở đất “lưu thông thông suốt”. Khi có lực lượng chức năng (ngành môi trường, cảnh sát giao thông) hoặc người lạ vào địa bàn là chúng báo ngay cho các xe ngừng chạy. 

Theo lãnh đạo Phòng TN&MT, khu vực này có rất nhiều chủ hầm móc đất. Đa số họ đều có giấy phép khai thác. Do đó, chỉ có thể xử lý hành chính khi họ vi phạm so với quy định trong giấy phép hoặc quy định của địa phương. “Không khai thác, móc đất thì không thể thực hiện được xây dựng nông thôn mới”, ông Lam khẳng định.

Ngày 2.11, trong khi đang ghi hình xe ben chở đất “tung hoành” trên đường, bất thần, tài xế 1 xe ben rú ga, ngoặt tay lái lao về phía chỗ phóng viên đang đứng. Thấy phóng viên vẫn đứng tác nghiệp, khi còn khoảng hơn 2 mét, gã tài xế lại ngoặt tay lái lao ra đường, rú ga, bóp còi cùng với nhiều hành vi khiêu khích!

TIẾN HOÀNG

 

 

Từ khóa: