BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng: Chủ động đối phó với thiên tai, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất

Cập nhật ngày: 21/07/2009 - 09:11

Những cơn mưa trái mùa cuối 2008, đầu 2009 làm cho nhiều diện tích cây trồng ở huyện Trảng Bàng bị ngập úng

Trong năm 2008, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện Trảng Bàng cập nhật đầy đủ các diễn biến về thời tiết, mực nước trên sông, các triều sông và hồ Dầu Tiếng để thông báo kịp thời cho các ngành, các cấp chủ động phòng tránh. Tuy nhiên trong năm 2008, tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn huyện cũng khá nặng. Cụ thể trong tháng 3.2008, mưa to làm ngập úng cục bộ, gây thiệt hại hơn 284 ha thuốc lá vàng ở hai xã Bình Thạnh và Phước Lưu, ước tổng mức thiệt hại của nông dân 540 triệu đồng. Đến cuối tháng 8.2008, mưa to, lốc xoáy ở xã Phước Chỉ làm tốc mái, sập vách 10 căn nhà và thiệt hại nhiều cây trồng, ước mức thiệt hại trên 148 triệu đồng. Nặng nề nhất là vào những ngày cuối năm 2008, đầu năm 2009, những cơn mưa to trái mùa kéo dài, kết hợp gió mạnh làm mất trắng hơn 2.023 ha cây trồng, với mức thiệt hại ước trên 31 tỷ đồng.

Trảng Bàng là vùng đất thấp của tỉnh, có hai sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn chảy qua, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt ở hầu hết các xã trong huyện. Trên địa bàn huyện có kênh Đông hồ Dầu Tiếng đi ngang qua 3 xã Đôn Thuận, Hưng Thuận và Lộc Hưng, cùng với hệ thống kênh tưới tiêu đều khắp 7 xã cánh Đông của huyện. Với địa hình như thế, Trảng Bàng là một lòng chảo hứng nhiều nguồn nước từ xa đổ về. Để chủ động đối phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, trong năm 2009, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đề ra nhiệm vụ thường xuyên theo dõi nắm bắt kịp thời các diễn biến khí tượng thuỷ văn; chủ động chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, ứng phó khẩn cấp ngay từ giờ đầu, ngày đầu của thiên tai; tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng lực lượng để điều hành phối hợp và tổ chức lực lượng đan xen, ứng cứu sự cố công trình, đồng thời tổ chức cứu nạn, cứu tế kịp thời cho nhân dân vùng ngập lụt, nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân… Đặc biệt huyện đề ra kế hoạch cụ thể đối với các xã vùng trũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với thiên tai. Xã Đôn Thuận và Hưng Thuận khi có thiên tai phải di dời khẩn cấp người và tài sản cần thiết ở ven sông Sài Gòn thuộc ấp Bà Nhã lên ngay khu vực nông trường Bời Lời (xã Đôn Thuận), ấp Bùng Binh và Lộc Thuận lên ngay khu vực ngã tư Bùng Binh (xã Hưng Thuận); xã An Hoà sơ tán khẩn cấp các hộ của ấp An Thới lên khu vực Giồng Cấm, ấp An Hội đến tập kết tại vùng cao khu vực Cầu Quan; xã Phước Chỉ: Chú ý vùng thường xuyên ngập lụt hằng năm như ấp Phước Mỹ (A 8), các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông đưa dân lên vùng cao nhất của xã; xã Phước Lưu: Tập trung các hộ dân ở ấp Phước Giang lên vùng cao; xã An Tịnh cần chú ý khu vực cầu Trảng Chừa.

D.H