BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng - Cột mốc trăm năm (tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 16/11/2023 - 21:22

BTN - Xem những tư liệu, sẽ thấy cơ sở hạ tầng thời Pháp thuộc ở Trảng Bàng chẳng đáng là bao, so với cơ ngơi của thị xã Trảng Bàng ngày nay vẫn đang tiếp tục mở ra mọi hướng.

Xin tạm tính cột mốc này là cột mốc trăm năm thứ hai của đô thị Trảng Bàng. Tính từ năm 1918 đến 2018, khi Trảng Bàng được công nhận là đô thị loại IV là vừa đúng 100 năm. Về tư liệu thành văn, có một bài bút ký của nhà văn Biến Ngũ Nhi, đăng trên Công luận báo ngày 8.7.1921, mô tả chuyến đi Tây Ninh vào sáng mùng 2 tết năm ấy. Dù xe hơi Sài Gòn - Tây Ninh chỉ đậu lại nghỉ ở Trảng Bàng ít phút, nhưng tác giả đã có vài dòng miêu tả: “Một chặp, đường quanh vào phía tay trái, thấy nhà ngói đông đảo: ấy là Trảng Bàng. Xe tới đây nghỉ một hồi lâu…

Tuy là quận nhỏ mặc dầu chớ chợ Trảng Bàng cũng là thị tứ. Hai bên phố xá sạch sẽ, ở giữa có ba dãy chợ ngói liên tiếp với nhau, sắp hàng chữ nhứt. Tại đây có vài tiệm An Nam buôn bán đồ tạp hoá, có bán cả cơm Tây rất tiện cho khách du lỡ bữa. Thường nghe tiếng dưa hấu Trảng Bàng ngon nhứt nên tôi mua một trái ăn thử, thì quả thiệt dưa ở đây ngọt vô cùng…”.

Đình An Hoà

Nhân thể cũng so sánh với các thị tứ liền kề năm ấy. Là Củ Chi thuộc Sài Gòn và Gò Dầu Hạ thuộc Tây Ninh. Củ Chi chỉ là: “một cái xóm nhỏ, có nhà dây thép, trường học dựa bên đường, còn xóm làng ở thụt vào trong…”. Còn Gò Dầu Hạ, tại ngã ba (nay là ngã tư) ở trung tâm Thị trấn vô cùng đông đúc ngày nay, thì năm ấy cũng chỉ: “có vài nhà là dựa ở mé đường, còn xóm làng ở ném vào trong xa, có đường lộ nhỏ đi vào bên tay mặt…”.

So sánh để biết, những năm đầu cột mốc (trăm năm) thứ hai, thị tứ Trảng Bàng đã có vẻ bề thế hơn các thị tứ liền kề. Trảng Bàng đã có nhiều nhà ngói thay thế cho nhà tranh từng phổ biến ở các miền quê xứ Trảng. Đặc biệt là khu phố chợ cũ.

Ngoài 2 dãy nhà ngói của người Hoa và người Việt xen nhau ở hai bên, còn có “3 dãy chợ ngói liên tiếp nhau”. Đây hẳn là những kiểu mà ta vẫn quen gọi là các nhà lồng chợ, nằm nối tiếp về phía Bắc của ngôi đền thờ Ông Cả- chạy tới gần khu dinh quận Trảng Bàng, nay là trụ sở UBND thị xã Trảng Bàng.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, những năm này đã có thêm 1 con đường thuộc địa nối Trảng Bàng lên Gò Dầu Hạ, qua Campuchia theo ngả Mộc Bài (ngoài con đường thuộc địa từ Sài Gòn lên Tây Ninh theo con đường sứ có từ thời vua Gia Long năm thứ 14 (1815).

Đường vừa kể, theo Nghị định ngày 23.2.1917 của Toàn quyền Đông Dương, từ đây được gọi là “Đường thuộc địa số 1. Đoạn 1 Sài Gòn- Trảng Bàng dài 50,640km. Đoàn 2- Trảng Bàng- ranh giới Căm Bốt qua Gò Dầu Hạ dài 22,394km (cộng chung là 73,034km).

Còn con đường từ Gò Dầu lên Tây Ninh qua ngả Bến Kéo (nay là quốc lộ 22B) rồi lên cửa khẩu Phước Tân, từ đây được gọi là đường Thuộc địa số 1 bis: Gò Dầu Hạ- Căm Bốt…” (Theo Nguyễn Đình Tư (2016), “Chế độ Thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ”).

Ngoài ra, cũng theo sách này, khu vực Trảng Bàng được Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định ngày 8.3.1919 xếp loại đường làng (hương lộ) một số đường sau: Đường số 8 từ Gia Long đến đồn Trảng Bàng, dài 0,663km (còn chưa rõ Gia Long là vị trí nào); đường số 9 là đường sau chợ, dài 0,380km; đường số 10 từ kinh đến chợ Trảng Bàng, dài 0,520km; đường số 11 là đường ra Giếng Mạch, dài 0,320 km… đường số 16 từ An Hoà đến đường Cao (còn chưa rõ là đường nào), dài 2,100km; đường số 17 từ cầu An Hoà đến Trảng Bàng, dài 3,570km; đường số 18 từ Tha La đến Gia Bình dài 2,200km; đường số 19 từ cầu Quan đến trạm y tế Trảng Bàng, dài 3,489km; đường số 21 từ Lộc Giang đến chợ Rạch Tràm, dài 3,200km; đường số 25 từ Lái Mai đến chợ Trà Cau dài 3,000km; đường số 28 từ ấp An Thành đến chợ An Đước, dài 1,990km; đường số 30 từ đường thuộc địa đến Lộc Hưng, dài 3,840km… Đến tận năm 1929 mới có thêm nghị định của Thống đốc Nam kỳ xếp loại đường làng. Là các đường phố ở Trảng Bàng, gọi chung là đường số 15 với tổng cộng chiều dài chỉ 4,293km.

Xem những tư liệu vừa kể, sẽ thấy cơ sở hạ tầng thời Pháp thuộc ở Trảng Bàng chẳng đáng là bao, so với cơ ngơi của thị xã Trảng Bàng ngày nay vẫn đang tiếp tục mở ra mọi hướng. Đấy là đường Xuyên Á đi qua với những khu công nghiệp thênh thang. Đấy là đường ra An Hoà, qua Khu công nghiệp Thành Thành Công để qua cầu An Phước vượt sông Vàm Cỏ Đông rồi thẳng tiến về các xã cánh Tây.

Rồi từ đây lại có đường Trà Cao - An Thạnh rộng mở về Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khách quốc tế vào ra tấp nập. Rồi đường 787 đã được mở rộng gấp đôi từ Thị xã, qua Lộc Hưng về Bùng Binh Hưng Thuận nối với đường 789 chạy qua Dầu Tiếng, Bình Dương… Các đường phố Trảng Bàng cũng đã trải ra nhiều tuyến phố hiện đại dọc đường Xuyên Á hoặc hướng vào An Hoà, hướng ra Đôn Thuận… Nhiều công trình hiện đại, cao tầng lấp lánh kính nhôm thay cho các mái ngói cũ xưa.

Nhưng để đến được thời kỳ Trảng Bàng dựng xây vào cuối cột mốc số 2 này, người Trảng Bàng còn phải vượt qua những đau thương mất mát suốt 30 năm của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Hai cuộc kháng chiến này đã khác rất xa với cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất khi Lãnh binh Tòng dẫn quân về Sài Gòn chi viện cho Đại đồn Chí Hoà năm 1861. Đấy là cuộc kháng chiến đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cuộc kháng chiến như sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng (1997) đã viết: “Quân dân Trảng Bàng chiến đấu ròng rã 30 năm, từ tiếng súng đầu tiên ở Mặt trận Suối Sâu ngày 8.11.1945 đến khi lá cờ cách mạng được kéo lên ở dinh Quận trưởng trong chi khu Trảng Bàng ngày 29.4.1975, đã vượt qua muôn vàn gian khổ và hy sinh biết bao xương máu lập nên nhiều chiến tích anh hùng…”.

Kỳ diệu thay! Là sau 30 năm “Thịt nát, xương tan” ấy, Trảng Bàng vẫn giữ (dù không vẹn nguyên) trong lòng mình những di tích ngàn năm. Như tháp cổ Bình Thạnh và hàng loạt những di chỉ tháp cổ từ thời văn hoá Óc-eo bên các xã cánh Tây. Cũng như các di tích trăm năm, chủ yếu hình thành trong cột mốc (trăm năm) thứ nhất, như đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước và những đền miếu người Hoa ở phố chợ (cũ) Trảng Bàng; hoặc hàng chục ngôi đến miếu dân gian ở các xã (nay là các phường): An Tịnh, An Hoà, Gia Bình, Gia Lộc… Đấy là chưa kể tới hàng chục di tích và di chỉ của thời chiến tranh cách mạng, như di tích Rừng Khỉ- căn cứ địa của Huyện uỷ Trảng Bàng trong khu căn cứ địa Bời Lời huyền thoại; hay di tích căn cứ Rừng Rong, địa đạo An Thới, Đội biệt động Trảng Bàng… Trên miền đất lịch sử văn  hoá và anh hùng này, viết như Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) trong bài thơ Về Tây Ninh, là:

“Chỗ nào cũng viện Bảo tàng:

An Tịnh Lộc Chánh, Trảng Bàng…

Lịch sử đọng trên mỗi bước.

Hỏi ở Tây Ninh: -có đất nào như đất này không?”.

Trần Vũ