Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trảng Bàng - Điểm đến của nhà đầu tư
Thứ năm: 07:32 ngày 02/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với quan điểm ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, sản xuất sạch và quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; thị xã Trảng Bàng đã và đang trở thành điểm đến thành công của nhiều nhà đầu tư.

Công nhân làm việc tại công ty may trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Nhiều tiềm năng lợi thế

Thị xã Trảng Bàng là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh, có vị trí địa lý nằm giáp ranh các tỉnh, thành phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và có các tuyến đường giao thông quốc gia đi qua như: quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14C, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (sắp hình thành)… đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trảng Bàng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi được công nhận là đô thị loại IV năm 2018 và thành lập thị xã năm 2020 đến nay, thị xã Trảng Bàng đã có sự phát triển về cơ sở hạ tầng, nhiều dự án đầu tư mới đã và đang hình thành: đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789, trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh, đường điện 500kV Đức Hoà - Chơn Thành, nhà máy xử lý nước thải, khu trung tâm văn hoá thể thao Thị xã...

UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, tổng giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ yếu của Trảng Bàng hiện nay đạt gần 40.000 tỷ đồng/năm, đứng thứ 2 toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm thời gian qua trên 10%, trong đó: giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đạt gần 4.000 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt 1.839 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 33.840 tỷ đồng/năm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt 990 tỷ 558 triệu đồng. Trên địa bàn Thị xã hiện có 811 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 7.069 tỷ 542 triệu đồng và hơn 11.000 hộ kinh doanh với số vốn đăng ký 1.641 tỷ 220 triệu đồng.

Trảng Bàng quy hoạch chung đô thị được phê duyệt năm 2018 và 2 quy hoạch phân khu phường Trảng Bàng và phường An Tịnh được phê duyệt năm 2023. Thị xã đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và lập các quy hoạch phân khu của 4 phường còn lại. Về chương trình phát triển đô thị, Trảng Bàng đang lập đề án đề nghị nâng loại đô thị lên loại III làm tiền đề cho việc công nhận thành phố Trảng Bàng trong tương lai.

Về định hướng phát triển đô thị Trảng Bàng trong thời gian tới, bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, thị xã Trảng Bàng được định hướng là thành phố thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hoá, lịch sử, thương mại, dịch vụ, du lịch; trung tâm công nghiệp tập trung đa ngành, dịch vụ logistics hiện đại của tỉnh; có vai trò trọng điểm trong vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh; là khu vực đầu mối giao thông quan trọng, hành lang Xuyên Á gắn với vai trò là thành phố cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh kết nối các tỉnh, thành khác trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Tây Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Về định hướng phát triển kinh tế, thị xã Trảng Bàng phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, hình thành các khu công nghiệp tập trung và các khu sản xuất tập trung, chủ lực là công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp.

Ngoài ra, thị xã Trảng Bàng định hướng phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao theo mô hình sản xuất tập trung hình thành vùng nguyên liệu và tạo các chuỗi sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực: lúa, bắp, đậu phộng, dưa lưới, rau rừng, rau màu các loại, trái cây các loại và vật nuôi chủ lực: heo, bò thịt, bò sữa, gà, cá...

Phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, chủ lực là dịch vụ ăn uống, mua sắm, dịch vụ hậu cần phục vụ các khu công nghiệp trên địa bàn và phục vụ du khách. Phát triển du lịch địa phương gắn kết vào chuỗi du lịch của tỉnh theo hướng khai thác du lịch điểm dừng chân thưởng thức ẩm thực đặc sản, mua sắm, du lịch về nguồn (tham quan các di tích văn hoá, lịch sử), du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, du lịch kết hợp với nông nghiệp.

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến gỗ trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Có 10 dự án hấp dẫn được mời gọi đầu tư

Thị xã Trảng Bàng tập trung thu hút nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực, cụ thể: Dự án Khu đô thị dịch vụ Trảng Bàng (phường Trảng Bàng, phường An Tịnh); mục tiêu xây dựng khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ với diện tích khoảng 150 ha.

Dự án phức hợp nhà ở và Trung tâm thương mại Trảng Bàng (phường Trảng Bàng), với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại, khách sạn 5 sao, trung tâm mua sắm hiện đại, diện tích khoảng 4,2 ha; Trung tâm thương mại Trảng Bàng (phường Trảng Bàng), diện tích khoảng 0,6 ha; cụm công trình thể dục thể thao tại khuôn viên Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thị xã Trảng Bàng diện tích 3.939 m2 phục vụ người dân, gồm: sân bóng đá mini (1.258 m2), sân quần vợt (1.477 m2), hồ bơi trẻ em (1.204 m2).

Bến xe khách thị xã Trảng Bàng (phường Gia Lộc), diện tích 3 ha; xây dựng chợ biên giới (ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ), diện tích 1,2 ha; Khu du lịch Bời Lời (xã Đôn Thuận), mục tiêu thu hút đầu tư khu vực phụ cận Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh là du lịch kết hợp di tích lịch sử nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế có tính kết nối tổng thể trong định hướng không gian phát triển của khu vực và địa phương, diện tích 64,21 ha.

Dự án nông nghiệp công nghệ cao (xã Phước Bình và Phước Chỉ), mục tiêu phát triển cây lúa chất lượng cao, diện tích 200 ha; Dự án nông nghiệp công nghệ cao (phường Lộc Hưng), mục tiêu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 200 ha; Dự án sản xuất kinh doanh (xã Hưng Thuận), mục tiêu hình thành dự án sản xuất kinh doanh theo ý tưởng của nhà đầu, diện tích 10.588,1 m2.

Ngoài ra, Trảng Bàng kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp địa phương: lúa, bắp, đậu phộng, trái cây (sầu riêng, dưa lưới), rau các loại, sữa, cá, bò, heo, gà.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề: mây tre đan, rèn, làm bánh tráng, làm muối; công nghiệp phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp; lĩnh vực xây dựng như: vật liệu xây dựng, thi công xây dựng, dịch vụ xây dựng; nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.

Lĩnh vực thương mại, tập trung phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, hoạt động bán buôn, bán lẻ. Lĩnh vực dịch vụ: du lịch, ẩm thực, vui chơi giải trí, y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao, vận tải. Hạ tầng kỹ thuật về giao thông bộ, giao thông thuỷ, bến xe, bãi đậu xe, nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hoả táng.

Tại chương trình Cà phê doanh nhân vừa qua, ông Trần Hữu Hậu- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tây Ninh cho biết, để mời gọi được các nhà đầu tư, ngoài việc thực hiện các chính sách ưu đãi, vấn đề mà nhà đầu tư cần chính là đồng hành và hỗ trợ để các nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng mong muốn các doanh nghiệp quan tâm và tìm hiểu tiềm năng và lợi thế của thị xã Trảng Bàng, UBND Thị xã luôn đồng hành với doanh nghiệp, với nhà đầu tư để cùng phát triển, hy vọng các doanh nghiệp sẽ thành công trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Bên cạnh đó, UBND thị xã Trảng Bàng tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục