BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng: Đường huyện 12 cần được sửa chữa 

Cập nhật ngày: 15/03/2021 - 23:22

BTNO - Đường huyện 12 từ ngã ba Sóc Lào (xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) đến Khu công nghiệp (KCN) Phước Đông, huyện Gò Dầu là tuyến đường giao thông quan trọng, vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp ra đường 789 về Tp. Hồ Chí Minh và cũng là con đường đi làm hằng ngày của hàng ngàn công nhân. Tuy nhiên, từ hơn một năm nay, tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mặt đường bong tróc nhựa với nhiều đá nhỏ sắc nhọn.

Đường xuống cấp từ lâu

Là tuyến đường ngắn nhất từ nhà đến nơi làm tại KCN Phước Đông (khoảng 10 km), hằng ngày chị Nguyễn Thị Bích Trâm, ngụ ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng phải mất gần 45 phút. Theo chị Trâm, tuyến đường này bắt đầu hư hỏng từ hơn một năm trước, ban đầu là lớp nhựa đường bong tróc, với nhiều đá nhỏ sắt nhọn nằm lởm chởm trên mặt đường, khi đến mùa mưa thì nước đọng, những "ổ gà" này bắt đầu lan rộng thành nhiều ổ gà khác khắp mặt đường khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Để bảo đảm an toàn, người đi đường phải chạy thật chậm để tránh né ổ gà và những viên đá bị bong tróc trên mặt đường.

Một người dân tại ấp Trảng Sa (xã Đôn Thuận) cho biết, tuyến đường này hư đã lâu nhưng chưa được sửa chữa, và người dân cũng đã liên tục có ý kiến với chính quyền trong các cuộc tiếp xúc cử tri. “Với hàng ngàn lượt công nhân và người dân đi lại mỗi ngày trên con đường này, chuyện té ngã xảy ra thường xuyên, khiến không chỉ người tham gia giao thông bất an mà ngay cả người dân sống hai bên đường khi chứng kiến cũng không khỏi bức xúc. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều có phản ánh, nhưng các vị đại biểu chỉ hứa, gần hai năm qua chẳng thấy làm”- một người dân bức xúc.

Anh H.Q.C, công nhân làm việc tại KCN Phước Đông cho biết, do yêu cầu công việc, nên anh phải đi về khá muộn, ban đêm lại không có đèn đường, tầm nhìn hạn chế khiến việc lưu thông rất khó khăn. Mặt đường hư hỏng, ổ gà xuất hiện trải khắp mặt đường nên có không ít trường hợp bị sụp ổ gà, làm cong, gãy phuộc nhúng xe máy, té ngã, chấn thương trở thành chuyện thường ngày.

Nhiều ổ gà xuất hiện giữa đường nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi đường.

Chưa có phương án sửa chữa

Ông Nguyễn Văn Hưng- Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận cho biết, đường huyện 12 từ ngã ba Sóc Lào đến KCN Phước Đông bị hư hỏng đã được cử tri nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương và trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri các cấp. UBND xã cũng đã có tờ trình đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng sớm có phương án sửa chữa, bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông.

Đồng thời, xã cũng đề nghị lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tải trọng các xe tải trên tuyến đường này và cả đường 789. Cuối năm 2020, UBND Thị xã đã cho giặm vá tạm thời một số điểm xuống cấp nặng.

Tuy nhiên, tuyến đường này tiếp tục xuống cấp, không bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông. Địa phương rất mong các cơ quan chức năng cấp trên sớm có phương án sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn.

Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, tình trạng xuống cấp, hư hỏng của tuyến đường huyện 12 từ ngã ba Sóc Lào đến KCN Phước Đông được cử tri phản ánh, UBND Thị xã đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải hỗ trợ vì kinh phí để sửa chữa, vì Thị xã không đủ kinh phí thực hiện.

Nhiều xe tải nặng thường đi lại khiến tuyến đường này nhanh chóng xuống cấp

Theo một cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính - Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải, thì trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sửa chữa tuyến đường huyện 12 là của UBND thị xã Trảng Bàng. Ngày 26.2.2021, Sở Giao thông vận tải có công văn trả lời ý kiến kiến nghị cử tri xã Đôn Thuận và đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra và có kế hoạch khắc phục, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi lại.

Điều 41 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn huyện quản lý.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

4. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ.

5. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

6. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa.

7. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Nguyên An