Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tổng diện tích trồng lúa và rau an toàn đạt 4.231 ha, trong đó hơn 414 ha đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Cánh đồng sản xuất lúa giống theo phương pháp cấy lúa bằng máy.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng, những năm qua, mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn trên địa bàn huyện được mở rộng. Đến nay tổng diện tích đạt được 4.231 ha, trong đó đã chứng nhận đạt chuẩn VietGAP được hơn 414 ha.
Đáng lưu ý, có hai mô hình đạt hiệu quả khá cao là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Gia Bình và Tổ hợp tác lúa Phước Mỹ (xã Phước Chỉ). HTX Gia Bình ký hợp đồng với Công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng sản xuất 50 ha lúa giống Đài Thơm 8 theo phương pháp cấy bằng máy, với giá bao tiêu sản phẩm 5.600 đồng/kg.
Trang trại dưa lưới ở xã Lộc Hưng.
Mô hình này hiệu quả hơn so với sạ lan. Cây lúa cấy phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao, bông to, cây cứng và ít bị ngã đổ... Từ đó lợi nhuận mang lại cho nông dân cao hơn so với sạ lan từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/ha/vụ.
Tổ hợp tác lúa Phước Mỹ ký hợp đồng bao tiêu lúa nếp với nông dân được 200 ha/vụ, giá thu mua cao hơn lúa thường 500 đồng/kg. Từ đó lợi nhuận của nông dân sản xuất lúa nếp cao hơn lúa thường từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ.
Về sản xuất rau an toàn, thời gian qua, ngành chức năng huyện đã tổ chức 9 lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn quy trình; chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho 4 tổ hợp tác và 1 HTX sản xuất rau an toàn.
Rau rừng Lộc Trát cũng đã được được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Trong đó, Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát (xã Gia Lộc) đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Lavifood với diện tích 1,8 ha, giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, doanh thu bình quân 240 triệu đồng/ha/năm.
Trên địa bàn huyện Trảng Bàng hiện có 4 trang trại dưa lưới sản xuất theo mô hình công nghệ cao, với tổng diện tích 12 ha.
N.H