Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trảng Bàng: Người dân bức xúc vì nước thải từ lò mổ gia cầm gây ô nhiễm
Thứ bảy: 09:01 ngày 02/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận được đơn của 8 hộ dân ngụ tại tổ 10, ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng phản ánh Cơ sở giết mổ gia cầm Trâm Anh đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Lò mổ gây ô nhiễm

Cơ sở giết mổ gia cầm Trâm Anh (lò mổ Trâm Anh) được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 45I002800 vào ngày 6.11.2008, do ông Nguyễn Văn Nguôn có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh làm chủ.

Theo giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường ngày 1.1.2008, lò mổ được trang bị một dây chuyền giết mổ tự động theo tiêu chuẩn của EU, nhu cầu nguyên liệu đầu vào khoảng 500-600 con gà sống/ngày, sử dụng khoảng 20m³ nước/ngày đêm, trong đó nước được dùng chủ yếu vào công việc giết mổ và vệ sinh nhà xưởng.

Hồ chứa nước thải của Cơ sở giết mổ gia cầm Trâm Anh.

Theo nội dung đơn phản ánh của 8 hộ dân, hằng đêm lò mổ Trâm Anh giết mổ đến hàng ngàn con gà, có thể nhận thấy cơ sở đang hoạt động vượt công suất, thông qua số lượng gà được chở bằng nhiều xe tải đến đây, cũng như những thương lái tấp nập ra vào điểm giết mổ để lấy gà.

Trước đó, lò mổ chỉ hoạt động cầm chừng ở quy mô nhỏ lẻ. Cách nay khoảng 2 năm, cơ sở của ông Nguôn chuyển dần sang giết mổ quy mô lớn. Điều đáng nói, lò mổ chủ yếu làm theo hình thức thủ công chứ không hề có dây chuyền EU hiện đại nào, lại không có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.

Cụ thể, nước thải (từ huyết, phân, nước rửa nội tạng gà) xả thẳng xuống hồ chứa xây bằng tường gạch với diện tích hơn 1.000m², đáy hồ không được chống thấm, mặt hồ để lộ thiên gây bốc mùi hôi thối. Lông gà được xử lý bằng cách đốt bỏ, tạo nên mùi khét bay xa trong không khí. Do vậy, lò mổ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân xung quanh, nghi ngờ có tác động xấu đến mạch nước ngầm.

Thực tế, hồ chứa thải đã bị rò rỉ từ lâu, nước bẩn theo đó chảy thẳng ra ruộng, tràn xuống hầm nuôi cá của bà con gần bên, tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, vắt sinh sôi.

Nhiều đoạn tường bao quanh hồ nước thải đã bị rạn nứt thành vệt dài.

Người dân sống xung quanh nhiều lần nhắc nhở chủ cơ sở phải có hướng xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã lên tiếng phản ánh. Tuy nhiên, tình hình vẫn cứ diễn ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, mỗi khi cơ sở Trâm Anh hoạt động lại xảy ra tình trạng nguồn điện sinh hoạt của người dân gần khu vực lò mổ bị yếu cục bộ.  “Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm, có thể di dời lò mổ đi nơi khác tránh xa khu dân cư, đồng thời buộc chủ cơ sở phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu cho môi trường tự nhiên”, đơn nêu rõ.

Có nguy cơ vỡ hồ

Qua khảo sát thực tế vào ngày 28.11, hồ chứa nước thải của lò mổ Trâm Anh có màu đen, nổi váng, lắm bọt khí và bốc mùi thối. Mực nước trong hồ chứa cao hơn mặt bằng bên ngoài, nhiều đoạn tường bao quanh hồ đã bị rạn nứt thành vệt dài, dùng tay rung lắc có thể sẽ đổ sập.

Nước thải theo kẽ nứt rò rỉ ra môi trường bên ngoài, chảy ra đám ruộng toàn cỏ dại phía sau hồ. Chủ nhân đám ruộng này cho biết, từ khi lò mổ để nước thải chảy ra ruộng, họ phải bỏ đất hoang vì không thể canh tác được.

Nước thải trong hồ chứa rò rỉ ra môi trường tự nhiên bên ngoài.

Nước bẩn còn đọng thành vũng lớn kéo dài cặp bên ngoài một cạnh khác của hồ chứa thải, sau đó đổ tràn xuống hầm nuôi cá của người dân kế bên.

Bên ngoài hồ lại phát hiện thấy nước thải rò rỉ ra vườn cao su giáp ranh. “Tôi phải chủ động khơi thông một con mương cặp theo chân tường hồ chứa để dẫn nước thải rò rỉ từ trong hồ ra xuôi xuống đám ruộng hoang phía sau, nhằm cứu lấy vườn cao su. Đồng thời, phải dùng lưới rào B40 che chắn dòng chảy không cho đàn gia cầm đang nuôi uống nước dơ, vì trước đó có tình trạng cả đàn gà lăn ra chết sạch nghi do sau khi uống phải loại nước trong hồ bẩn”, ông N. chủ vườn cao su trình bày.

Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh cho biết, đúng là cử tri có nhiều lần phản ánh về tình trạng nêu trên, xét thấy vụ việc đã vượt khỏi thẩm quyền xử lý của chính quyền địa phương, nên UBND xã An Tịnh đã kiến nghị lên cấp trên giải quyết.

Nước thải đen ngòm chảy lênh láng ra một đám ruộng hoang phía sau hồ.

Ngày 27.10.2017, UBND huyện Trảng Bàng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5208 đối với ông Nguyễn Văn Nguôn- chủ Cơ sở giết mổ gia cầm Trâm Anh, về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng do có tái phạm, nâng tổng mức tiền phạt lên đến 54 triệu đồng; buộc ông Nguyễn Văn Nguôn phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo cột A, và phải trả chi phí phân tích mẫu nước thải theo quy định với số tiền 3,8 triệu đồng.

Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 3 tháng kể từ ngày ông Nguôn nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu quá thời hạn, người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và “mạnh tay” xử lý cơ sở giết mổ gia cầm Trâm Anh.

Tuy nhiên, 8 hộ dân gửi đơn phản ánh vẫn không khỏi lo lắng: chỉ cần một cơn mưa lớn, hồ chứa nước thải của  cơ sở Trâm Anh có thể sẽ bị vỡ bất cứ lúc nào, điện sinh hoạt luôn bị yếu mỗi khi lò mổ hoạt động,  thời hạn đến 3 tháng để cơ sở này khắc phục những sai sót có quá lâu?

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục