Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thấy được cách làm hay của nhân dân và chính quyền ấp Phước Hậu, nhiều địa phương trong xã Gia Bình cũng đã học tập theo…

(BTNO)- Với mục tiêu xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa và góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, phong trào làm đường nông thôn ở huyện Trảng Bàng có sức lan toả mạnh mẽ, được đông đảo bà con nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng.
Ông Lê Văn Nết (bên trái)- trưởng ấp Phước Hiệp xã Gia Bình chỉ cho phóng viên thấy con đường liên ấp vừa được nâng cấp. |
Ở ấp Phước Hiệp xã Gia Bình thuộc huyện Trảng Bàng, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi, kinh tế của đại đa số các gia đình ở đây cũng chỉ đủ ăn. Ông Lê Văn Nết, trưởng ấp Phước Hiệp cho biết: nhiều năm nay đường đi lại trong xóm rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nhìn con em vất vả băng đường lầy đến trường làm người dân nơi đây ao ước có một con đường khô ráo, sạch sẽ. Tâm tư nguyện vọng của người dân là thế, nhưng xã thì nghèo nên không có kinh phí hỗ trợ, còn chờ ngân sách thì không biết đến bao giờ. Sau nhiều lần họp bàn, tính toán, cán bộ ấp và người dân quyết định chọn phương án "tự lực cánh sinh". Thế là từ chỗ định làm "đến đâu hay đến đó", 2 tuyến đường liên ấp và giao thông nội đồng với tổng chiều dài hơn 500m đã được dặm vá, nâng nền hạ, rải sỏi với kinh phí đầu tư gần 50 triệu đồng.
Thấy được cách làm hay của nhân dân và chính quyền ấp Phước Hiệp, nhiều địa phương trong xã Gia Bình cũng đã học tập theo. Đến nay, không chỉ có Gia Bình mà người dân các xã An Hoà, Phước Chỉ, Hưng Thuận đã cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn. Cách làm hay, lợi ích lớn nên nhân dân không ngại chung tay cùng chính quyền. Người dân đã tự nguyện hiến khoảng 1.000m2 đất thổ cư, đất ruộng để làm đường, huy động được trên 100 ngày công, đào đắp san lấp mặt đường và đào rãnh thoát nước… với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, con đường đã làm chỉ là nội bộ trong xóm và số tiền bỏ ra thì cũng không phải là quá lớn, nhưng đã giúp người dân hiểu và cảm thông cho chính quyền địa phương trong những vấn đề chung của xã hội, cùng tháo gỡ khó khăn trước mắt cho chính quyền.
Hiểu Sinh