BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng: Nhiều hộ dân phá bỏ cây tầm vông

Cập nhật ngày: 01/07/2012 - 05:11

(BTNO)- Mới đây, đã có một hộ dân ở ấp An Quới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng phá bỏ 70 cao vườn trồng tầm vông hàng chục năm qua để trồng cây cao su. Lý do là hiệu quả kinh tế của cây tầm vông không cao bằng cây cao su và những năm gần đây măng tầm vông bị con đuông (một loại sâu đục thân) phá hoại nặng nề mà không có thuốc chữa.

Măng tầm vông bị đuông ăn chết khô,  người trồng không có thuốc chữa

Được biết, xã An Hoà là xứ sở của cây tầm vông. Trước kia tầm vông được trồng khắp xã và được nhà vườn chăm sóc cẩn thận nên thân cao to, dài hàng chục mét. Đây cũng là địa phương có làng nghề sản xuất hàng mây tre truyền thống và hình thành nhiều cơ sở sơ chế tầm vông đem bán khắp nơi.

Trước kia các cơ sở sản xuất hàng mây tre và cơ sở sơ chế tầm vông phần lớn là mua tầm vông nguyên liệu tại địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nguyên liệu tại địa phương gần như cạn kiệt. Các cơ sở này phải đi mua rất xa ở các huyện khác và cả tỉnh khác. Nguyên nhân là nhiều người dân địa phương thấy cây tầm vông hiệu quả kinh tế không cao, lại bị đuông phá hoại dữ dội nên dẫn đến thiệt hại không nhỏ. Măng tầm vông lên vừa được chừng năm bảy tấc đến một thước là bị đuông ăn chết khô liền.

Do không được chăm sóc, nên  phần lớn tầm vông ở An Hòa giờ là tầm “vông bụi” còi cọc

Anh Lê Tấn Thường, Bí thư chi bộ ấp An Lợi, xã An Hoà cho biết, ấp An Lợi là nơi trồng tầm vông nhiều nhất xã An Hoà. Những năm trước, tầm vông có giá, hễ nhà nào có khoảng đất vườn trống là trồng tầm vông. Lúc ấy tầm vông bán được giá cao, nên những người trồng tầm vông chăm sóc, bón phân đầy đủ. Tầm vông An Lợi một thời từng là tầm vông loại một. Rồi những năm gần đây, do bị đuông phá hoại dữ quá, giá cả thu mua tầm vông cũng thấp nên nhiều người chán nản bỏ cây tầm vông không thèm chăm sóc. Có người có sáng kiến mua bọc nylon về trùm măng tầm vông từ lúc mới mọc để tránh đuông ăn, tuy nhiên hiệu quả cũng rất thấp. Đến nay, phần lớn hộ dân ở ấp An Lợi đã phá bỏ vườn trồng tầm vông để chuyển qua trồng cây khác. Nguy cơ mất dần một vùng nguyên liệu là không tránh khỏi.

D.H